Sài Gòn tánh kỳ mà !

Lưu ý: Bài viết có tính chất gây thương nhớ Sài Gòn – cân nhắc trước khi đọc tiếp =.=

Ta nói những ngày còn ở Việt Nam , đi đâu đó thoáng nghe được bài “Quê Hương” của nhà thơ Đỗ Trung Quân không để ý và cũng không thấy xúc cảm lắm . Ấy vậy mà giờ đây mỗi lần nghe lại bài này , đâu đó trên khóe mắt hơi nhòe nhòe. Trải qua nhiều thứ, mọi vật và con người hoàn toàn khác nơi xứ lạ quê người mới thấm được câu hát ” Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn mãi thành người “. Hôm nay đọc được bài này hay hay, muốn chia sẽ cho mọi người . Thôi thì đọc lại cho đỡ nhớ quê chút ấy mà . Ngày xưa thì gọi là “Sài Gòn” còn bây giờ 2 tiếng thân thương ấy đổi thành “quê hương” mất rồi !

Chợ Bến Thành-biểu tượng của Sài Gòn qua bao thế hệ !
Chợ Bến Thành-biểu tượng của Sài Gòn qua bao thế hệ !

Một dạo, tôi quen một bà chị làm hướng dẫn viên du lịch người xứ nẫu (Bình Định) tên Hoa, chị nói :
-Lần đầu chị vô Sài Gòn thấy nhiều cái kì lắm em, như ở quê chị không ai ăn cơm tấm buổi sáng hết người ta ăn hủ tíu, bánh canh này kia à
Tôi: Vậy giờ chị ăn được chưa?
-Rồi em, tuần nào không ăn không chịu được. Chắc riết chị lây tánh kì của người Sài Gòn quá.
Dân xứ khác vô đây còn thấy người ở đây tánh kì thì đúng là quá thể mà =.=
Với kinh nghiệm làm trai Sài Gòn hai mươi mấy năm, thì tui thấy đất này đúng là tánh kì thiệt:
– Xứ gì mà chạy xe không gạt chống chân cho cá tánh mà chạy chưa hết 4 cái ngã tư không dưới chục người chạy theo (con/anh/em/bạn ơi gạt chống chân) là sao?
– Đi chưa hết một vòng chợ dã có them không biết bao nhiêu là người thân rồi (mua cho dì mớ hành, mua dùm ngoại miếng tàu hũ đi con…)
– Ngại nhất là buôn bán giá cả không rõ rang gì hết trơn cứ: “Con cho nhiêu cho” thiệt, nghe câu đó xong tự thấy mình mới là người được cho đó.
– Nhớ hồi mới được đạp xe đi học (đâu tầm lớp 6-7) cũng máu me đạp lên Q1 chơi mà ngặt nỗi không biết đường về, hồi đó còn ngu chưa biết tánh kì của dân Sài Gòn nên lần lữa mãi mới dám hỏi một chú:” Chú ơi cho con hỏi đường nào về Q12 chú” – “Ờ , Q12 hả chạy theo chú nè” chạy theo từ Q3 xuống tới Gò Vấp lúc “con biết dường rồi, con cám ơn chú” thì chú đó mới qua đường chạy hướng ngược lại đi mất tiêu.Ta nói người Sài Gòn tánh kì thiệt!
– Còn nữa ở đất này đi đâu cũng sẽ nghe câu “cà phê mậy, chiều đi cà phê, tối cà phê, mai cà phê” coi bộ thức uống duy nhất ở đây là cà phê không bằng, ấy vậy mà vô quán bạn thấy toàn kêu sinh tố , sữa tươi, đá chanh không hà. Đi cà phê như mật hiệu chung của dân Sài Gòn vậy đó, như lời cổ động tuyên truyền hội họp, bởi vậy mới sinh ra nguyên cái quảng trường chuyên dụng hội họp là “Cà phê bệt”
– Có thể bạn không để ý chứ Sài Gòn đáng được gọi là “dân chơi” lắm, thấy mấy thùng trà đá miễn phí không, không phải tất cả đều là của những người giàu có cả đâu trong số đó có những cái là của những dì bán nước, ngoại bán vé số, chú chạy xe ôm những người được xếp vào mức thu nhập thấp của xã hội. Họ dám bỏ một phần thu nhập ra để giúp đỡ người khác hàng ngày mà không cần ai biết, “dân chơi” vậy đó.
– Cái tánh kì của Sài Gòn nó hay lắm, nó tạo nên những chương trình ý nghĩa: Mùa hè xanh, Tiếp sức mùa thi, Ước mơ của Thuý, Quán cơm 2k…. như những cánh én bay đi từ mảnh đất này báo mùa xuân cho mọi miền.
– Sài Gòn này bé xíu mà người thì đông quá chừng vậy nên mệt lắm mỗi khi tan tầm nhích từng chút một tận hưởng đặc sản của Sài Gòn: kẹt xe, khỏi phải nói trình độ lái xe của dân ở đây vô cùng đặc sắc, hay đến nỗi ra đường toàn thấy du khách chụp ảnh tượng kẹt xe với niềm thích thú, hay xem việc băng qua đường là môn mạo hiểm đường phố vậy! Ủa, mà kẹt xe có gì liên quan tới tánh kì? Có chứ, bạn có thấy cảnh chú xe ôm chấp nhận bỏ cuốc chạy để đứng ra điều tiết giao thông chưa, hay cảnh các cô chú thím không quen biết chỉ đường chạy vô hẻm nhỏ để thoát khỏi chỗ kẹt, vậy đó việc đó không đủ gọi là kì sao.

.
.
.
.
Ngoài những điều thú vị trên Sài Gòn còn nổi tiếng với nhiều thứ không hay ho lắm , như những đặc khu nổi tiếng đâm chém (Xóm chiếu q4, Mả lạng Q1, Khu nhà kho q8) – những vụ cướp giật, chặt tay – thanh niên đi bão, tham gia cúp lư hương với tốc độ bàn thờ hằng đêm – khoảng cách giàu nghè o ngày càng xa.
Không phải ngẫu nhiên mà ai sống làm việc ở đất này một thời gian đều hãnh diện khi nhận mình là người Sài Gòn và Sài Gòn cũng chẳng bận tâm về việc bạn quê ở đâu mà vô đây nhận vậy đâu- Sài Gòn tánh kì mà.

Gửi phản hồi

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.