Category Archives: Chuyện cuộc sống

Chuyên mục về các câu chuyện hay trong cuộc sống, những tấm lòng cao thượng hay những lời khuyên giúp cho cuộc sống của người xa xứ bớt đi nỗi nhớ quê nhà

Vị vua Thụy Điển căm ghét cà phê: đánh thuế cao, tịch thu cả cốc chén người dân thế nhưng gây tác dụng ngược

Đây là cách vị vua nước Thụy Điển đã làm để chứng tỏ sự căm ghét của mình với món cà phê

Với lượng tiêu thụ cà phê lên tới 18 pound/người (khoảng 8 kg/người) mỗi năm, Thụy Điển là một trong những quốc gia tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới.
Cà phê đã thực sự trở thành một nét văn hóa đặc trưng cho quốc gia này. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng trong suốt chiều dài lịch sử của Thụy Điển.

Bắt đầu từ thế kỷ 18, một số vị vua đã bắt đầu cấm việc lưu hành cà phê. Và một vị vua Thụy Điển thậm chí còn đi xa hơn, khi ông tiến hành thực nghiệm trên hai gã tử tù để chứng minh loại đồ uống này độc hại cỡ nào.

đem cho tử tù uống cuối cùng bị kết quả ngược

Cà phê bắt đầu đặt chân tới Thụy Điển vào thế kỷ thứ 17, và người dân nơi đây ngay tức khắc mở rộng vòng tay với thứ đồ uống này. Nhưng nó lại không hề nhận được sự hoan nghênh từ các vị vua, khi họ cho rằng cà phê gây ảnh hưởng xấu tới người dân của họ.

Bắt đầu từ năm 1756, dưới triều đại vua Adolf Frederick, quốc gia này bắt đầu đánh thuế rất nặng lên việc nhập khẩu và tiêu thụ cà phê. Thậm chí những người uống cà phê không trả thuế sẽ bị… tịch thu cốc chén.

Cũng trong năm đó, cà phê đã bị cấm lưu hành tại Thụy Điển. Hoàng gia Thụy Điển bỏ ra rất nhiều nỗ lực trong việc hạ thấp loại đồ uống này, đồng thời khuyến khích người dân tiêu thụ những loại đồ uống khác.

Người dân Thụy Điển, đặc biệt là giới thượng lưu, những người có thể mua được các loại hạt cà phê quý hiếm, vẫn điềm nhiên tiếp tục sử dụng cà phê, bỏ ngoài tai những lệnh cấm vô lý.
Và rồi Gustav III lên nắm quyền điều hành đất nước. Là con trai của một người đã ban sắc lệnh cấm cà phê, ông tỏ rõ sự ghê tởm sâu sắc với nó và cho rằng nó rất có hại với sức khỏe con người.
Nỗ lực chống lại thứ đồ uống này được đưa lên đến đỉnh điểm khi ông bẻ khoa học theo ý mình nhằm chứng minh cho người dân thấy họ nên vĩnh viễn từ bỏ thói quen uống cà phê của mình.

Với một động thái gây ngỡ ngàng ngay với những nhà khoa học hiện nay, Gustav quyết định tiến hành thực nghiệm này trên các phạm nhân.
Ông tìm thấy hai phạm nhân mang tội giết người để tiến hành thực nghiệm. Cả hai người này đều đã lĩnh án tử, vậy nên vị vua đề nghị giảm án xuống chung thân, để họ có thể tham gia vào thực nghiệm.

Nhiệm vụ của họ rất đơn giản: Uống cà phê và trà. Một người được yêu cầu uống ba ấm trà mỗi ngày, còn một người được yêu cầu uống lượng tương đương cà phê mỗi ngày.
Vốn nghĩ rằng mình sẽ sớm được thấy những tác hại của cà phê, nhưng trớ trêu thay, phạm nhân uống cà phê đã sống, và thậm chí còn sống lâu hơn Gustav.
Gustav qua đời năm 1792 sau một vụ tấn công tại Nhà hát Nhạc kịch Hoàng gia Stockholm, trong khi phạm nhân uống trà sống tới năm 83 tuổi, và phạm nhân uống cà phê còn thọ lâu hơn thế, tuy chưa xác minh rõ con số này là bao lâu.

Không chỉ mình Gustav, vua Phổ Frederick the Great cũng là người rất độc đoán với món cà phê này. Cấm cà phê chưa đủ, ông thậm chí còn cấm luôn việc rang xay cà phê và đưa cận thần xuống phố nhằm đánh hơi hương vị của loại đồ uống này.

“Cảm giác thật ghê tởm khi thấy người dân tôi ngày càng dùng nhiều cà phê. Ai cũng uống cà phê. Đã là dân Phổ, chúng ta phải uống bia.”

Thế nhưng, dù nỗ lực ngăn cấm đến đâu đi nữa, cà phê vẫn vượt qua mọi sự độc đoán để hòa mình đi khắp châu Âu. Riêng với Thụy Điển, mùi vị cà phê đặc trưng đã trở thành một phần không thể thiếu trong nét văn hóa đầy yên bình của quốc gia này.
Tham khảo: History.com

Lá thư từ Thuỵ Điển – quốc gia được mệnh danh “gần-như-hoàn-hảo”

Vì đâu Thụy Điển lại được coi là một trong những đất nước tốt nhất thế giới?

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Tôi đang ngồi trong văn phòng của mình ở thành phố thông minh Hammarby Sjöstad của địa hạt Stockholm . Hôm nay là ngày lễ bánh quế vòng của Thụy Điển . Mùi cà phê rang thuần vị, không hương liệu, cũng chả bơ, chả sữa tỏa ra từ căn bếp văn phòng. Trời đã chuyển sang những ngày Thu cuối và cái lạnh đã đến thành phố rất gần.

Đất nước này là nơi những công nghệ hiện đại nhất như thành phố thông minh Hammarby Sjöstad tồn tại song song bên những nét truyền thống lâu đời giản dị đến nực cười như ngày của chiếc bánh quế vòng, nơi đến hương cà phê cũng chả cần được làm màu và gió lạnh từ lâu đã trở thành thương hiệu quốc gia.

Cuộc sống Thụy Điển


Trong tiếng Thụy Điển có một từ mà bạn không tìm thấy từ hoàn toàn giống hệt trong tiếng Anh: “lagom” – không quá nhiều, không quá ít, vừa đủ. Một niềm tin cổ cho rằng từ “lagom” đến từ từ “laget om” có nghĩa là “vòng quanh cả đội”. Khi đó, những người Viking khi uống rượu thường uống từ một cái sừng rượu chung, mỗi người uống một ngụm rồi truyền sang cho người tiếp theo… Cứ thế, sừng rượu được chia đều cho cả nhóm và điều đặc biệt là, mỗi lần uống, mỗi người chỉ lấy được một ngụm vừa đủ, không hơn. Chiếc sừng rượu chung ấy đã mãi mãi đi vào lịch sử (hoặc truyền thuyết) nhưng ý thức hệ “lagom” thì còn tồn tại, thậm chí ăn sâu bám rễ vào xã hội Thụy Điển.


Người Thụy Điển rời sở làm lúc 4, 5h để dành thời gian bên gia đình và cho các sở thích cá nhân. Họ biết làm việc vừa đủ.

Cha mẹ Thụy Điển dù rất yêu con nhưng rèn thói quen cho con đi ngủ lúc 7, 8h tối để cha mẹ có thời gian cho nhau và cho riêng mình. Họ biết yêu vừa đủ.

Những thầy cô, cha mẹ Thụy Điển mong muốn con có thời gian chơi, ra ngoài trời và vận động thể thao. Họ chỉ mong con họ học vừa đủ.

“Lagom”, dù bị chỉ trích là làm giảm tính cạnh tranh và nỗ lực trong xã hội Thụy Điển nhưng lại được coi là tiền đề của một xã hội sống chậm, sống chất lượng và đặc biệt là sống yêu thương. Những chương trình phát triển bền vững, các hoạt động, công nghệ vì môi trường, chính sách nhập cư hào sảng, những vận động tăng cường bình đẳng (màu da, giới tính và cơ hội) và ngay cả một xã hội tôn trọng cộng đồng LGBT… là kết quả của một xã hội biết đủ cho mình, dành thời gian và sự quan tâm cho những người khác, những nhóm yếu thế hơn mình.

Trong khi các cường quốc khác nói chuyện dầu mỏ, kim ngạch xuất khẩu hay đồng tiền mạnh, Thụy Điển được gọi là “a humanitarian superpower”, cường quốc nhân đạo. Họ có thời gian quan tâm và yêu thương đến thế giới khi họ thấy đủ cho mình.

Một nghịch lý kỳ lạ xảy ra ở nơi đây, giữa một xã hội biết đủ, có một thứ không bao giờ đủ với người Thụy Điển. Ấy là ý tưởng!

Gillis Lundgren đứng trước thùng xe ô tô, trên tay ôm chiếc bàn gỗ cồng kềnh. Làm sao mà nhét được chiếc bàn này vào ô tô cơ chứ, cả Gillis lẫn người bạn đồng nghiệp đều nhìn nhau lắc đầu. Không, chắc chắn phải có cách chứ! “Giời ạ, tháo hết chân bàn ra và xếp 4 cái chân xuống dưới” Gillis nói. Câu nói đó là tiền đề tạo nên huyền thoại flatpack (đóng gói phẳng) của IKEA, thay đổi mãi mãi cách chúng ta mua đồ đạc. Gillis Lundgren là một trong những nhà thiết kế đầu tiên của IKEA, cha đẻ của chiếc giá sách Billy huyền thoại, vật dụng thậm chí còn được dùng làm Billy Index, chỉ số so sánh giá tiêu dùng của các quốc gia.

Thụy Điển đứng đầu trong danh sách các quốc gia tốt đẹp

Trong một khu ổ chuột Mỹ, bọn trẻ đang lắc lư theo điệu nhạc phát ra từ điện thoại, qua ứng dụng Spotify. Những sinh viên ngồi xe bus ở Hà Nội đang chơi Candy Crush. Những đoạn ghi âm được chạy đi chạy lại từ Ấn Độ đến Nam Phi trên SoundCloud. Và trước Viber hay Facetime, thế giới kết nối, yêu thương nhau qua Skype… 10% dân số châu Âu ngủ trên những chiếc giường IKEA, còn H&M nuôi mộng mặc đẹp cho những cô cậu bé thích mặc đẹp nhưng chả có nhiều tiền…

Những cái tên ấy xuất hiện rộng rãi và thay đổi cách chúng ta sống nhiều đến nỗi chúng ta sẽ bất ngờ khi biết chúng đến từ một đất nước nhỏ xíu, chỉ có 10 triệu dân ở tận cực Bắc. Và để có khoảng 10 thương hiệu toàn cầu thành công, tôi nói cho bạn nghe, đất nước 10 triệu dân này phải có hàng tỉ ý tưởng.

Thụy Điển đứng đầu trong danh sách quốc gia tốt đẹp (Good Country Index) thực hiện trên việc tổng hợp các thống kê của Liên Hiệp Quốc và Ngân Hàng Thế giới. Danh sách này nghiên cứu so sánh 162 quốc gia thông qua 35 tiêu chí khác nhau.

Vậy vì sao đất nước bé nhỏ, biết đủ này lại cần nhiều ý tưởng đến vậy? Bạn có thể không tin: Thời tiết khắc nghiệt đóng vai trò đặc biệt trong việc này.

Người Thụy Điển biết có những thực tế họ không thể thay đổi: Trời tuyết lạnh, không một loại cây lương thực nào có thể qua mùa Đông nơi đây và trời đổ tối lúc 3h chiều trong suốt mùa Đông. Ngạn ngữ Thụy Điển có câu: “Không có thời tiết tệ, chỉ có quần áo tệ”. Nghĩa là không có hoàn cảnh nào tệ, chỉ là bạn không có cái giải quyết tốt mà thôi. Và thế là ở đây, họ cố tìm giải pháp, thậm chí giải pháp tốt hơn và tốt hơn nữa cho hoàn cảnh họ được đặt vào.

Người Thụy Điển ít khi thể hiện cảm xúc. Tôi chưa từng nhìn thấy một người Thụy Điển nào khóc. Những người bạn Nam Âu của tôi bảo người Thụy Điển lạnh, không thể hiện cảm xúc bởi ở nước họ, việc bật khóc hay gào thét ở chốn đông người không đến nỗi “tuyệt chủng” như ở Thụy Điển. Nếu có lý giải nào cho chuyện này, tôi sẽ dùng lý giải rằng: người Thụy Điển đã quên mất cách kêu gào để than trách hay tìm sự giúp đỡ. Mùa Đông dài tối tăm, những ngôi nhà cách nhau cả dặm dạy họ cách bình tĩnh, tự tìm cách này hay cách khác giải quyết các vấn đề của mình.

Một ngày tháng 11/2016, một cơn bão tuyết tràn xuống Stockholm. Chưa có bất kỳ một sự chuẩn bị nào: Những chiếc ô tô chưa được thay bánh xe mùa Đông, những đôi ủng tuyết vẫn nằm im lìm trong kho, những công nhân lái xe dọn tuyết làm việc bán thời gian vẫn chưa vào mùa làm việc: Stockholm hỗn loạn. Hệ thống xe bus phải tạm ngừng hoạt động, bọn trẻ được nhà trường gửi về nhà, nhiều người lái xe ô tô phải bỏ xe lại trên phố và đi bộ về nhà. Chúng tôi, phần đông vẫn kẹt ở văn phòng mà chưa thể tìm cách về nhà.

“Ngày mai mọi chuyện lại ổn thôi,” một chị đồng nghiệp của tôi nói. “Chính quyền thành phố sẽ giải quyết nhanh gọn việc này”. Nhìn ra ngoài trời tuyết, những hàng xe ô tô bị bỏ lại trên đường và xe cào tuyết không thể di chuyển, tôi tự hỏi, chị ấy lấy đâu ra niềm tin mãnh liệt như thế vào chính quyền thành phố.

Vậy mà sáng hôm sau, chưa đầy 8 tiếng đồng hồ, tuyết vẫn rơi, nhưng đúng là giao thông đã thông suốt.

Mỗi khi căn hộ tôi ở có trục trặc gì về sưởi hay điện, tôi thường gọi đội sửa chữa của tòa nhà. Tôi để khóa ở chế độ đặc biệt để chìa khóa của đội sửa chữa có thể mở được cửa nhà tôi và tôi bỏ đi làm. Trong ngày, đội sửa chữa tới, mở cửa, sửa chữa rồi dời đi.

“Con không sợ họ lấy trộm thứ gì à?” mẹ tôi ngạc nhiên khi thấy tôi làm như thế. Không hề, bởi ở đây ai cũng làm thế. Tôi cũng như nhiều người Thụy Điển khác tin tưởng đội sửa chữa của tòa nhà, những người luôn làm việc chuyên nghiệp, đúng với uy tín của công ty mà họ đang đeo logo.

Thụy Điển là nước ít tham nhũng thứ 4 trong danh sách nhận thức tham nhũng (CPI) của Tổ chức minh bạch Thế giới năm 2016

Người dân tin vào chính quyền, người dân tin vào doanh nghiệp, người dân tin vào nhau… Để làm được điều này, xã hội Thụy Điển có hai tiền đề vô cùng quan trọng: Ý thức tự giác của người dân và một hệ thống điều hành minh bạch và liên kết cao của chính quyền.

Thụy Điển là nước ít tham nhũng thứ 4 trong danh sách nhận thức tham nhũng (CPI) của Tổ chức minh bạch Thế giới năm 2016.

Nếu như ở phần trước, tôi nói rằng đất nước này luôn khát khao ý tưởng mới thì một yếu tố mấu chốt giúp rất nhiều ý tưởng đó thành hiện thực, biến các cậu bé mê code thành các CEO của các start-up thành công, biến Stockholm thành thủ đô start-up mới của thế giới chính là một hệ thống minh bạch và một xã hội có niềm tin.

“Open Stockholm” là một chiến dịch của chính quyền thành phố Stockholm triển khai từ năm 2011 để biến Stockholm thành thành phố thông minh nhất thế giới. Chính quyền thành phố cam kết mở các database mà chính quyền thành phố có về giao thông, dân số, địa lý, môi trường, thông tin các tòa nhà… để các nhà khởi nghiệp có thể sử dụng để xây dựng các ứng dụng thông minh giúp ích cho công dân thành phố. Chiến dịch này đã mang rất nhiều ý tưởng thú vị thành các ứng dụng hữu ích như app tìm kiếm chỗ ngoài trời nhiều nắng để sưởi nắng (sử dụng database về thời tiết và địa lý) hay app giúp các bác tài xe tải kiếm chỗ đỗ và dỡ hàng (sử dụng database địa lý và giao thông).

Vậy đấy, một hệ thống xã hội ưu việt, một quốc gia công nghệ cao được xây dựng bằng niềm tin – nghe cũng chả khác mấy một câu đùa.

À, bạn có thể sẽ hỏi tôi là ai khi tôi viết bài viết này. Tôi không phải một người Thụy Điển. Tôi là một cô gái Việt Nam may mắn được gắn bó và yêu Thụy Điển, yêu những thiết kế tối giản và không gian Bắc Âu trắng bóc trên sàn màu gỗ phong. Và như tôi vẫn viết trong cuốn sách về tình yêu đa văn hóa của mình: Tôi yêu đủ nhiều để yêu thích việc quan sát, tìm hiểu điều gì làm nên một đất nước gần như hoàn hảo!

IKEA và HM là 2 thương hiệu hàng đầu của thế giới trong lĩnh vực nội thất gia đình và quần áo thời trang

Tác giả các cuốn sách: “Yêu một cô gái Việt” và “Anh chồng Stockholm, người tình Paris và cậu bạn thân Bangkok”

* Đất nước gần như hoàn hảo: Tựa đề bài viết lấy cảm hứng từ tên cuốn sách “Những người gần như hoàn hảo – Sự thật về điều kỳ diệu Bắc Âu” (The Almost Nearly Perfect People – The truth about the Nordic miracle) của tác giả người Anh Michael Booth.

Cách quản lý giao thông độc nhất vô nhị của Thụy Điển

Nếu một chiếc xe suýt nữa đâm phải người đi đường khi nó đang rẽ phải khi đèn đỏ, đó là lỗi của ai? Theo ông Matts-Ake Belin, nhà chiến lược an toàn giao thông của Thuỵ Điển, lỗi là ở người đã thiết kế giao lộ.

“Tại sao chúng ta lại đổ lỗi hoàn toàn lên đầu những người tham gia giao thông, khi chúng ta biết rằng họ sẽ nói chuyện điện thoại, hay làm những việc sẽ khiến chúng ta không vui?” Belin nói với CityLab trong một cuộc phỏng vấn. “Vì thế, hãy thử xây dựng một hệ thống thân thiện hơn với con người xem sao.”

Belin là một trong những người sáng tạo ra Vision Zero, một chính sách của Thuỵ Điển được áp dụng vào năm 1997 nhắm loại bỏ các ca tử vong trên đường. Nhưng không như những chính sách nhằm khiến cho đường phố an toàn hơn, Vision không cố gắng đổ lỗi cho nạn nhân hay thủ phạm. Thay vào đó, Vision Zero cố gắng xây dựng một hệ thống mà họ nghĩ là sẽ an toàn hơn. Và Vision Zero có vẻ đang thành công. Từ khi bắt đầu chiến dịch, Vision Zero đã làm giảm hơn nửa số tử vong giao thông, xuống dưới 3 người chết/100.000. Hãy so sánh với con số này ở Hoa Kỳ, là 11,6 người chết/100.000 người.

Giao thông ở Thụy Điển

Hầu hết những người làm trong ngành an toàn giao thông đều muốn thay đổi hành vi của con người, Belin chia sẻ. Nhưng con người thường không để ý. Chúng ta đi đường tắt, chúng ta dùng điện thoại khi mà chúng ta không nên dùng. Vision Zero tính toán đến những điểm yếu này của con người và cố thiết kế để khắc phục những điểm yếu đó. Vision Zero cũng công nhận là không có tử vong không có nghĩa là không có tai nạn.

“Ở Vision Zero, tai nạn không phải là vấn đề chính. Vấn đề là người tham gia giao thông bị chết hoặc bị thương nặng,” Belin chia sẻ. “Và lý do mà người tham gia giao thông bị thương nặng là bởi vì con người chỉ có một ngưỡng chịu đựng tác động bên ngoài nhất định. Và chúng tôi hiểu rõ được là con người có thể chịu đựng được đến đâu.”

Một cách để làm giảm chấn thương là làm giảm tốc độ, bởi vì khi bị đâm bởi một chiếc xe đi nhanh hơn thì chắc chắn sẽ tăng khả năng gây chết người hơn. Khi mà xe ô tô, người đi bộ hoặc người đi xe đạp buộc phải đi cùng nhau, vận tốc tối đa sẽ giảm, khoảng 30 km/h. Điều này làm giảm nguy cơ gây tai nạn tử vong xuống còn 10%, thay vì là 80% khi mà vận tốc tối đa là 50 km/h.

Vision Zero cũng không hẳn là không ưa xe ô tô. Belin thừa nhận rằng xe ô tô vẫn còn cần thiết. “Trong xã hội hiện nay chúng ta đang phụ thuộc vào vận tải đường bộ, chúng ta cần phải cho phép hầu hết mọi người sử dụng phương tiện này.” Chúng ta chỉ cần kiểm soát việc sử dụng của họ tốt hơn thôi.

Thuỵ Điển cũng có những cách tiếp cận việc thực thi khác nhau. Lấy ví dụ như ở Thuỵ Điển, quốc gia này có một trong những mạng lưới camera trên đường bộ lớn nhất thế giới, nhưng họ lại không bắt ai cả, cũng chẳng kiếm tiền từ tiền phạt. Mặc dù vậy, camera đã tăng mức độ tuân thủ tốc độ từ 50% lên đến khoảng 90%. Việc quốc gia này không kiếm lợi nhuận từ tiền phạt có nghĩa là mục đích của máy ảnh là an toàn, chứ không phải là để kiếm tiền. “Vì vậy chúng tôi đã khích lệ mọi người làm điều đúng đắn,” Belin cho hay.

Hệ thống có vẻ là hợp lý và đúng đắn, tuy nhiên có cũng có nhiều sự phản đối. Các nhà kinh tế học chính trị coi sự an toàn như một sự đánh đổi, với số tử vong là “mức giá mà bạn phải trả cho giao thông,” và các chuyên gia giao thông vẫn muốn thay đổi hành vi của con người chứ không phải là thiết kế lại hệ thống đường xá để thích ứng với bản chất con người.

Tham khảo Fast Company

“Người Việt sẽ muôn đời khổ”

SKĐS – Muốn biết người Nhật thật sự đánh giá thế nào về Việt Nam thì phải nghe những câu chuyện của những người lao động trực tiếp.
Muốn biết người Nhật thật sự đánh giá thế nào về Việt Nam thì phải nghe những câu chuyện của những người lao động trực tiếp.
Còn các nhà nghiên cứu, giáo sư, tiến sỹ, chính trị gia, các nhà ngoại giao, doanh nhân Việt Nam thường chỉ nghe được những lời lẽ ngoại giao từ những người đồng nhiệm với họ phía Nhật Bản nên chưa chắc đã biết được người Nhật thực bụng nhìn vào Việt Nam thế nào.
Chẳng hạn như thế này, một công nhân làm cho một công ty Nhật ở Việt Nam kể lại khi một kỹ sư Nhật về nước ông ấy không ngại ngần nói với người công nhân Việt Nam: “Người Việt các anh sẽ muôn đời khổ. Đấy là vì các anh chỉ biết nghĩ đến những cái lợi lộc nhỏ của cá nhân mà không biết nghĩ đến cái lợi lớn của chung”.

ảnh minh họa

Rồi viên kỹ sư minh hoạ: “Một cái vít chúng tôi phải mang từ Nhật sang giá 40.000đ mà rơi xuống đất thì công nhân Việt Nam các anh thản nhiên dẫm lên hoặc đá lăn đi mất vì nó không phải của các anh. Nhưng các anh đánh rơi điếu thuốc lá đang hút dở giá 1.000đ thì các anh sẵn sàng nhặt lên và hút tiếp cho dù nó bị bẩn chỉ vì nó là của các anh. Hay như cuộn cáp điện chúng tôi nhập về giá 5triệu/m, nhưng các anh cắt trộm bán được có vài trăm nghìn/m. Tất cả những việc làm đó mang lại chút lợi lộc cho các anh nhưng gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp vì chúng tôi phải nhập bổ sung hoăc nhập thừa so với cần thiết”.

Còn lái xe của viên kỹ sư đó thì được ông ấy tặng quà có giá trị và được nghe ông ấy “tâm sự” như sau: “Tôi rất cảm ơn anh lái xe an toàn cho tôi suốt 5 năm qua. Vì anh là người bảo đảm mạng sống của tôi nên anh làm gì tôi cũng chiều nhưng anh đừng tưởng anh làm gì sai mà tôi không biết. Anh đưa đón tôi ra sân bay quãng đường chỉ hơn 30km anh khai là hơn 100km tôi cũng ký, anh khai tăng việc mua xăng, thay dầu tôi cũng ký là vì tôi cần anh vui vẻ lái xe để tôi được an toàn. Nhưng anh và các công nhân Việt Nam đừng tưởng là các anh vặt được người Nhật. Các anh nên biết rằng lẽ ra chúng tôi có thể trả lương cao hơn hoặc tăng lương nhiều hơn cho các anh. Nhưng đáng phải tăng lương cho các anh 500.000đ thì chúng tôi chỉ tăng 200.000đ. Còn 300.000đ chúng tôi phải giữ lại để chi trả bù đắp cho những trò vụn vặt hay phá hoại của các anh. Cuối cùng là tự các anh hại các anh thôi. Còn chúng tôi cũng chỉ là lấy của người Việt cho người Việt chứ chúng tôi không mất gì cả”.

Phạm Trọng Thức
(Ghi theo lời kể của anh P.V.M, 40 tuổi, công nhân tại một doanh nghiệp Nhật Bản – khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội)

Đằng sau đồng USD Việt kiều Mỹ gửi về – Kỳ 2: Tỉ phú, thiếu nợ bởi nails

Từ 2008, khủng hoảng kinh tế lan rộng ra cả Mỹ và toàn thế giới, nghề nails cũng đi vào suy thoái. Việc kiếm tiền trở nên chật vật hơn khi người Mỹ cắt giảm nhu cầu làm đẹp.

Từ 2008, khủng hoảng kinh tế lan rộng ra cả Mỹ và toàn thế giới, nghề nails cũng đi vào suy thoái. Việc kiếm tiền trở nên chật vật hơn khi người Mỹ cắt giảm nhu cầu làm đẹp.

Người Việt không chỉ làm nails

Đi nhiều nơi mới thấy, chẳng hiểu sao người dân gốc Huế và Quảng Đà (Quảng Nam – Đà Nẵng) làm bác sĩ nhiều vô kể. Đi tới các phòng khám nào, cũng nghe tiếng Huế, tiếng Quảng thân thương.
Đặc biệt là dân Quảng Đà, lúc nào cũng có hội đoàn, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau. Chứ các nhóm khác, hôm trước hôm sau là… cãi lộn rồi tan đàng xẻ nghé.

Nhắc tới những nghề mưu sinh của người Việt ở Mỹ, đầu tiên phải kể đến nghề nails. Theo nhiều nguồn báo chí trên mạng, ngôi sao Hollywood Tippi Hedren, nữ chính của bộ phim The Birds, là người khởi xướng cho nghề nails trong cộng đồng người Việt.

Vào khoảng thập niên 1970s, khi còn là một nhân viên cứu trợ quốc tế, trong chuyến tới thăm làng Hy Vọng ở thành phố Sacramento, thủ phủ bang California, bà gặp khoảng 20 phụ nữ Việt Nam tỏ vẻ yêu thích bộ móng tay của bà.
Hedren bèn giúp họ học nghề làm móng bằng cách mỗi tuần đưa thợ tới dạy nghề và thuyết phục trường Citrus Heights Beauty nhận 20 phụ nữ gốc Việt làm sinh viên để được hành nghề một cách chính thức.

Một gian hàng thẩm mỹ của người Việt trong khu thương mại Eden ở Virginia (vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn)

Và trong vòng 40 năm, từ 20 người phụ nữ đầu tiên đó, nails đã trở thành một đế chế quyền lực của người Việt trên đất Mỹ.

Người Việt sở hữu tiệm nails khắp mọi nơi trên đất nước này, từ miền Florida, Houston nắng ấm, tới tiểu bang California trù phú, băng ngang Midwest đầy bão tố, lên miền Bắc lạnh lẽo của Minnesota, Wisconsin hay sang khu vực Washington D.C. ắp đầy lịch sử.
Đâu đâu cũng thấy người Việt mở tiệm và làm thợ, đánh bạt những tiệm nails của người Mỹ chính gốc bởi sự khéo tay, nhã nhặn và cần cù của mình.
Thời điểm cực thịnh nhất của nghề nails là những năm 1980 tới trước năm 2008.
Nhà nhà làm nails, người người làm nails, bất kì khu Mỹ đen hay trắng, đâu đâu cũng thấy tiệm nails do người Việt làm chủ.
Một bộ full-set ngày đó tới $50. Tiệm nào cũng đông nườm nượp khách. Để trở thành thợ nails khá dễ. Không đòi hỏi bằng cấp đại học hay nói tiếng Anh trôi chảy. Chỉ cần kiên nhẫn và khéo léo, học vài trăm giờ, thi đậu hai phần lý thuyết và thực hành, sẽ được cấp bằng.

Người Việt thường sống co cụm
Hầu hết cư dân Việt Nam định cư ở California (40%) và Texas (12%). Tiếp theo là Washington (4%), Florida (4%) và Virginia (3%). Ba county (quận hay hạt) có nhiều cư dân Việt nhất ở California là Orange, Los Angeles, và Santa Clara. Mười metropolitan (siêu đô thị) có đông cư dân Việt nhất là: Los Angeles, San Jose, Houston, San Francisco, Dallas, Washington D.C., Seattle, San Diego, New York và Atlanta.

Mỗi một hoặc hai năm phải đóng tiền đăng kí mới lại. Nếu chuyển sang tiểu bang khác, phải đổi bằng hoặc thi lấy bằng mới tùy theo luật của từng bang.
Hồi đó, thứ Bảy hay Chủ nhật nào qua Eden, khu thương mại của người Việt nằm ở thành phố Falls Church (Virginia), tìm đỏ con mắt cũng không có chỗ đậu xe khi bà con Việt Nam tụ tập ăn hàng, mua sắm đông đúc quá.

Nhiều khi chạy lòng vòng cả tiếng trong vô vọng nhưng cũng không nỡ bỏ về vì thèm đồ Việt. Cuối cùng bạo gan nhét xe vô một chỗ bất kì rồi đi mua đồ mà cứ nơm nớp lo nó bị kéo đi. Hễ vô tiệm nào, thấy bà con xài tiền mặt nhiều (chủ yếu là tiền lẻ), mua đồ cả xe không ngần ngại, thì đoán chắc là dân làm nails. Không sai một tí.
Đó là nghề nuôi lớn không biết bao nhiêu sinh viên (trong đó có tôi) tốt nghiệp ra trường và đạt được giấc mơ Mỹ.
Nếu dân văn phòng kiếm mỗi tháng hai, ba ngàn, thì người làm nails vào mùa hè, có thể dễ dàng kiếm hơn $1.500/tuần, chưa tính tiền cò (tiền bo, tiền típ) lên tới vài trăm đô. Rủng rỉnh tiêu xài. Nhiều người trong số họ tiết kiệm, để dành vài năm, vay thêm ngân hàng, sang tiệm để làm chủ cho đỡ vất vả.

Đó là nghề nuôi lớn không biết bao nhiêu sinh viên (trong đó có tôi) tốt nghiệp ra trường và đạt được giấc mơ Mỹ.

Từ cực thịnh… đến thiếu nợ nhà băng
Nhưng bắt đầu từ năm 2008, khủng hoảng kinh tế lan rộng ra cả Mỹ và toàn thế giới, nghề nails cũng đi vào suy thoái. Việc kiếm tiền trở nên chật vật hơn khi người Mỹ cắt giảm nhu cầu làm đẹp.

Các chủ tiệm cạnh tranh không lành mạnh, đẩy giá xuống cực thấp, để hút khách về mình. Bộ full-set giảm xuống còn $30, có nơi chỉ $20. Nhiều người làm nails thường mua nhà to, xe đẹp, đâm ra thiếu nợ lớn ở ngân hàng. Tới khủng hoảng, trả không nổi nên bị nhà bank (ngân hàng) kéo nhà, kéo xe tùm lum hết.

Nổi tiếng nhất trong “đế chế nails” là tỉ phú Charlie Tôn Quý, ông chủ của hệ thống Regal Nails với hơn 1.100 tiệm trên khắp nước Mỹ, trong lòng các siêu thị của gã khổng lồ Walmart. Với doanh thu mỗi năm lên tới 450 triệu USD, trong tổng số 8,5 tỷ USD của ngành nails, (theo số liệu của tạp chí Nails vào năm 2014), chỉ từ việc sơn sửa móng tay chân đã khẳng định ưu thế tuyệt đối của người Việt trong lĩnh vực này.

Phần lớn thợ nails thường được chủ trả bằng tiền mặt (hoặc nửa tiền mặt, nửa ngân phiếu) nên họ (và chủ tiệm) không đóng hay đóng rất ít thuế thu nhập cá nhân và phúc lợi xã hội. Bảo hiểm với họ là một điều xa lạ.

Tất nhiên sau này, họ sẽ không được lãnh (hoặc lãnh rất thấp) social security (tiền hưu trí). Bị tai nạn hay bệnh tật (nhất là dị ứng với các loại hóa chất), sẽ không có bảo hiểm chữa trị và thất nghiệp sẽ không được lãnh trợ cấp.

Làm việc trong tiệm nails cũng rất phức tạp bởi tiền “tươi” trước mắt, bà con tranh giành khách lẫn nhau, dẫn tới việc bất đồng, thù ghét. Rồi nhiều tiệm nằm trong các khu tội phạm, an toàn cho thợ lẫn khách cứ lơ lửng trên đầu.

Gần đây, ở một số tiểu bang, chính quyền bắt đầu siết chặt các tiệm nails về vệ sinh, luật lao động, nhận người không bằng cấp, trả lương bằng tiền mặt, không đóng thuế đủ đầy… Cho nên việc kiếm tiền từ nghề nails cũng không dễ dàng như vài mươi năm trước.

Những thành phố lớn như New York, Los Angeles, Houston… tiệm và thợ quá đông, cạnh tranh dữ dội, hạ giá sát đáy. Muốn kiếm nhiều tiền, phải chấp nhận “hy sinh” đi tới những tiểu bang ít người Việt, lạnh lẽo ở miền Bắc hay khỉ ho cò gáy vùng Midwest.
Lan, bạn tôi, sống ở Los Angeles, đầu năm 2016 nhận được lời mời đi làm tận thành phố Wausau, tiểu bang Wisconsin với lời hứa lương mỗi tháng nếu ít hơn $5,000 thì sẽ bao lương, còn nhiều hơn thì ăn chia 4/6 (chủ 40%, thợ 60%).

Trong vòng một tháng, thu nhập của cô hơn $7,000, chưa tính tiền tip. Chỉ có điều, tiệm nằm giữa vùng hẻo lánh. Thành phố buồn hắt hiu, ngoài việc đi làm xong cũng chả đi đâu ngoài về phòng trọ, chui vào mền cho bớt lạnh.

Có người từ California quen với cuộc sống sôi động, đông đúc, bay qua vì lời mời quá ư hấp dẫn, làm đúng một buổi, chịu không nổi cái lạnh và buồn, lật đật nhờ người chở ra phi trường bay về lại nhà liền, chứ ở lâu, chắc chết vì tự kỷ. Sau một tháng làm ở Wausau, nhớ con quá, Lan cũng bay về lại Los Angeles. Cô gọi đó là thành phố “Quá sầu”. Chưa kịp quen hơi, béng tiếng, thì đã vội vã bỏ đi.

Nhưng dù sao đi nữa, tới bây giờ nails vẫn là nghề mặc định nuôi sống cho rất nhiều gia đình Việt Nam ở Mỹ. Nó giúp nhiều người Việt mới tới Mỹ không rành tiếng Anh ổn định được cuộc sống, kiếm đủ tiền nuôi nấng thế hệ thứ hai, thứ ba giỏi tiếng Anh, vô đại học, có bằng cấp, tìm công việc tốt hơn, thoát khỏi cái kiếp “ôm chân Mỹ đen” như nhiều người ác miệng vẫn hay nói.
Chả trách, đi đến đâu, nhìn mặt tôi, sau mấy lời xã giao bâng quơ, người ta cũng hỏi: “làm nails hay làm hãng?”.

 

160.000 người Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp
Theo thống kê dân số năm 2010 (thống kê 10 năm một lần) của U.S Census Bureau (cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ), có tổng cộng 40.738.224 người nhập cư (U.S Census Bureau định nghĩa người nhập cư – hay cư dân là những người khi sinh ra không mang quốc tịch Mỹ) đang sống trên đất Mỹ.
Đông nhất là từ Mexico (11.489.387 người), kế tới là Ấn Độ (1.974.305), Phillipines (1.861.996), Trung Quốc (1.719.819), Việt Nam (1.264.188), El Salvador (1.254.501), Cuba (1.114.864), Hàn Quốc (1.105.653)…
Đến nay, hầu hết cư dân Việt Nam đến Hoa Kỳ là những người thuộc diện thường trú hợp pháp qua các chương trình ra đi có trật tự như HO, ODP, diện đoàn tụ, hoặc được gia đình bảo lãnh.
Có rất ít cư dân Việt Nam sang Mỹ bằng đường tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, tính đến tháng 1.2012, uớc tính khoảng 160.000 người Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp tại Hoa Kỳ, chiếm khoảng 1% trong tổng số 11,4 triệu người, đứng thứ mười ở Mỹ.
Họ chủ yếu là những sinh viên ra trường không kiếm được việc làm, OPT (Optional Practical Training, một dạng giấy phép lao động dành cho sinh viên quốc tế) hết hạn, hay người du lịch tìm cách trốn ở lại luôn không về nữa.
Theo thống kê, khoảng 23% cư dân Việt Nam trong độ tuổi từ 25 tuổi trở lên đã có bằng cử nhân hoặc cao hơn (so với 37% của cư dân gốc Đông Nam Á và 28% của tổng số cư dân Mỹ). Bình quân thu nhập của mỗi gia đình cư dân Việt Nam là 55.736 USD, thấp hơn đáng kể so với thu nhập bình quân của cư dân gốc Đông Nam Á (65.488 USD), nhưng cao hơn so với bình quân cư dân tại Mỹ (46.983 USD) và người Mỹ gốc (51.975 USD).
Mặc định là thế, nhưng theo thống kê của U.S Census Bureau, có tới 28% cư dân Việt làm trong các lĩnh vực quản lý, kinh doanh, khoa học và nghệ thuật (so với 30% toàn bộ cư dân), 32% trong lĩnh vực dịch vụ, 14% làm ở lĩnh vực liên quan tới bán hàng và văn phòng, 5% trong lĩnh vực khai khoáng, cầu đường, bảo dưỡng, và 20% làm ở lĩnh vực sản xuất, vận tải và vận chuyển hàng hóa.
Suy ra, nghề nails (làm móng), hãng hay phục vụ chỉ chiếm một phần không lớn trong cộng đồng cư dân Việt.
Nhiều người (trong đó có tôi) với tấm bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ cũng bon chen làm quản lý, kinh doanh, khoa học, luật sư, hay bác sĩ, làm rạng danh hai chữ Việt Nam trên xứ người.

Nguồn: thanhnien.vn /Nguyễn Hữu Tài

Đằng sau đồng USD Việt kiều gửi về – Kỳ 1: Làm nails hay làm hãng?

Nhiều người Việt ở Mỹ nói riêng và ở nước ngoài nói chung, có thói quen lo cuộc sống bên này thì ít, mà lo bên Việt Nam thì… nhiều.

Khách Mỹ đến tiệm nails của người Việt

Chắc do Mỹ là đất nước có nhiều cơ hội. Người có sức làm nhiều, sẽ kiếm được nhiều tiền. Người ít sức làm ít, sẽ có ít tiền. Nên ai cũng nghĩ nghĩ định cư nước ngoài như sang tới Mỹ rồi, có việc là kiếm được tiền, bên Việt Nam còn khó khăn, vất vả nên ít nhiều mình phải giúp.

Khổ vì cái “mác Việt kiều”

Mà cũng đúng, lúc chưa đi Mỹ, mỗi lần thấy Việt kiều về nước áo lụa quần là, xài tiền như nước nên nghĩ bên này sướng lắm. Viết thư qua lại với bạn bè, tôi cũng nghĩ bên đó không cần làm gì hết, tiền trên trời rớt xuống kịnh kịnh để xài, cứ như lá trên cây, ra nhón gót hái sẽ có cả rổ để xài. Bạn tôi cười như điên, bảo qua đây thì biết.

Mười mấy năm lặn ngụp xứ Mỹ. Rốt cục rồi cũng sáng mắt ra. Mỗi tháng mở mắt, bạn sẽ thấy đủ thứ các loại “bill” (hóa đơn) bọng. Từ hóa đơn nhà, tới xe, bảo hiểm, điện thoại, thức ăn, credit card, chi tiêu lặt vặt. Nợ nần tự lo, chứ chẳng mấy ai kí trả giùm, kể cả họ hàng, ruột thịt.

Định cư nước ngoài mọi người đều ý thức cái sự thật hiển nhiên đó. Vì thế, đa số đều cố làm việc, lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng nếu không muốn vỡ nợ, ra đường mà ở.

Hồi ba tôi còn sống, cứ mỗi tháng anh chị lãnh lương, ba đều thầm thì, ráng nhín nhịn một ít gửi về bên nhà giúp đỡ anh chị tụi bây nhen. Mới qua mà, cuộc sống còn nhiều khó khăn, khốn khó trăm bề, đủ thứ phải chi tiêu.

Anh chị tôi đi làm gục mặt trong hãng không thấy mặt trời, nên nhiều bữa nghe ba nói hoài cũng bực, bảo, bộ chỉ có mấy người bên đó là con, bên này hổng phải, nên ba lo cho bên đó hơn heng.

Bên trong một tiệm nails do Thành Hưng, bạn tôi làm chủ, ở thành phố Greensburg, bang Philadelphia.

Thương nhất là cô chú chủ nhà, gốc Bến Tre. Gần sáu mươi rồi, mà sáng nào cũng dậy thiệt sớm nấu ăn cho cả nhà, để con cái có đồ ăn mới tươi ngon mang theo tới chỗ làm. Cô chú “cày” dữ lắm, tới hai ba job (công việc).

Thứ bảy, chủ nhật cô chú cũng không chẳng chịu ở nhà nghỉ ngơi. Hỏi nhà nhỏ xíu, trả gần hết rồi, cô chú đâu cần gì phải làm cho dữ? Cô chúm chím cười, làm để lo cho lũ nhỏ còn ở lại bên quê. Với lại để dành mua thêm đất, cất nhà, mai sau về dưỡng già chứ hổng chịu nổi mùa đông lạnh lẽo xứ này nữa.

Mười sáu năm sau gặp lại, cô chú đã bảy mấy, con cái mang qua đây gần hết, nhà cửa gì cũng cất xong, lương hưu cũng có rồi, mà hổng thấy về Việt Nam dưỡng già. Ngày ngày vẫn phải xách xe đi làm cho hãng mỹ phẩm.

Tối lãnh việc dọn dẹp, lau chùi mấy cái văn phòng. Hỏi sao cô chú không nghỉ ngơi cho khỏe, sao cứ cực khổ hoài. Cô cười móm mém, vẫn còn hai đứa bên đó, chưa qua được. Với lại cả đống bên này còn khó khăn. Thôi còn sức thì còn làm, lo cho tụi nó.

Đôi khi nghĩ lại, chính tính thởi lởi, bao đồng, ham lo của bà con bên này, tạo cho người thân và gia đình bên Việt Nam bản tính dựa dẫm và ỷ lại.

Nhiều gia đình tôi biết, có con gái lấy chồng Mỹ, vất vả làm nails kiếm tiền. Còn bên đó, cả nhà ba bốn thế hệ hổng chịu đi làm, cứ kéo về ở hết trong nhà, đợi mỗi tháng con gái gửi về ít trăm bạc tiêu xài, phè phởn.

Người Việt làm nails như thương hiệu

Có một sự mặc định trong nghề nghiệp hầu như ở Mỹ ai cũng biết.

– Người Mexico và các nước Nam Mỹ chuyên làm cầu đường, xây dựng và phụ bếp.

– Người Hoa buôn bán và mở nhà hàng trong các Chinatown.

– Người Việt làm nails và hớt tóc.

– Người Ấn Độ, Pakistan và các nước Nam Á làm chủ cây xăng, cửa hàng tiện lợi.

– Người Hàn làm giặt ủi và mở nhà hàng trong các Koreantown.

– Người Philippines và các nước gốc châu Phi làm y tá và giúp việc nhà…

Thỉnh thoảng ra ngoài, gặp người Việt, sau mấy câu xã giao kiểu: Tên gì? Ở đâu? Chạy xe gì? Mua nhà chưa? Lấy vợ chưa? Mấy cháu rồi? Thì sẽ nghe tiếp hai câu quen thuộc: Qua Mỹ lâu chưa? Làm neo hay làm hãng?

Lúc đầu tôi cũng hơi bực mình với mấy câu hỏi có phần soi mói, vô duyên kiểu này và nghĩ thầm trong bụng, bộ người Việt không biết làm gì khác hơn ngoài neo với hãng? Mà thôi riết cũng quen, có bực cũng chẳng được gì. Vì trong đầu họ đã có một sự mặc định như vậy rồi.

Vả lại nghề nào làm ra tiền bằng bàn tay với khối óc để nuôi sống bản thân và gia đình thì đều đáng được tôn trọng.

Nói vậy thôi chứ nhiều khi tôi cũng thấy tức anh ách trong bụng.

(còn tiếp)

Nguyễn Hữu Tài

Muốn người khác coi trọng, hãy trở thành trân châu, đừng là cát…

Con người nếu muốn được người khác coi trọng thì tự bản thân phải trở thành xuất chúng, giống như ngọc trai trên cát vậy, cùng là chất liệu ấy nhưng giá trị lại khác xa rất nhiều, chỉ nhìn qua cũng có thể dễ dàng nhận thấy.

Có một chàng trai trẻ luôn tự cho mình là một người tài giỏi. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh ta đi tìm kiếm khắp nơi nhưng vẫn không tìm được một công việc như bản thân mong muốn.

Anh ta cảm thấy ông trời thật bất công vì cho rằng bản thân tài giỏi vậy mà lại không gặp được may mắn. Sau nhiều lần trắc trở, anh ta cảm thấy tuyệt vọng cùng cực.

Thế rồi một ngày kia, người thanh niên này trong lúc tuyệt vọng đã tìm đến bờ sông để tự tử. Đúng lúc anh ta định gieo mình xuống nước thì gặp một ông lão đi tới.

Hãy là trân châu, đừng là cát

Ông lão nhìn thấy vậy bèn hỏi anh ta nguyên do tại sao lại phải đi tự tử.

Người thanh niên nói: “Cháu cảm thấy tuyệt vọng quá! Trong xã hội không có ai trọng dụng cháu, họ không thừa nhận khả năng của cháu!”.

Ông lão nghe xong, không nói lời nào mà cúi người xuống và nhặt lên một hạt cát, rồi ông đưa cho người thanh niên này nhìn nhìn một lát.

Sau đó ông thả cho hạt cát này rơi xuống dưới, rồi ông hỏi: “Cậu hãy nhặt hộ tôi hạt cát mà tôi vừa làm rơi xuống dưới nhé!”.

Người thanh niên ngạc nhiên nói: “Việc này vốn là điều không thể, ở đây toàn là cát, hạt nào cũng giống hạt nào mà, sao phân biệt được chứ!”.

Ông lão không nói gì mà lấy trong túi của mình ra một viên ngọc trai óng ánh. Sau đó, ông cũng để viên ngọc trai này rơi xuống và nói với người thanh niên rằng: “Cậu có thể nhặt được viên ngọc trai mà tôi vừa làm rơi xuống không?”.

Người thanh niên nhanh nhảu trả lời: “Đương nhiên là được ạ!”

(Ảnh: Internet)

Lúc này, ông lão mới nói tiếp: “Vậy cậu đã minh bạch ra chưa? Cậu nên biết rằng, hiện tại bản thân mình còn chưa phải là viên ngọc trai. Cho nên, cậu không thể yêu cầu người khác lập tức thừa nhận mình được. Nếu như muốn được người khác thừa nhận, thì cậu phải nghĩ cách để biến mình thành một viên trân châu ngọc trai đã”.

Người thanh niên nhìn ông lão rồi nở một nụ cười như để nói rằng anh đã hiểu rõ ràng những lời ông nói.

Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, đôi khi chúng ta cứ tự nghĩ rằng mình là “viên ngọc trai” nhưng kỳ thực chúng ta có thể vẫn còn đang là “hạt cát” mà thôi.

Vì vậy, nếu muốn được đứng ở vị trí cao hơn người khác thì đương nhiên chúng ta phải có một điều gì đó nổi trội giống như “chim hạc giữa đàn gà” vậy. Chỉ có một chút xem thường và xem nhẹ của người khác mà chúng ta đã không thể nhẫn nhịn nổi thì sao có thể đạt được sự huy hoàng?

Nếu muốn bản thân trở thành xuất chúng hơn người thì phải cố gắng để tự mình trở thành một viên ngọc trai. Có như vậy, người khác mới dễ dàng nhận ra và thừa nhận chúng ta!

Lời nói dối chân thật

Bạn tự hỏi lời nói dối đầu môi chót lưỡi và lời nói dối chân thật khác nhau chỗ nào. Có lẽ mỗi người đều có cảm nhận khác nhau. Nhưng với tôi, khi người ta nghĩ cho mình trước tiên, thì lí trí sẽ thốt ra những lời nói dối chót lưỡi đầu môi, khi trái tim bạn gạt bỏ cái vị kỉ, nó cũng khiến bạn nói dối. Nhưng là những lời nói dối đầy yêu thương, chứ không phải những lời nói thật lạnh lùng. Nếu sự thật chỉ mang tới buồn phiền thì một trái tim yêu chân thành sẽ chôn vùi nó, không để nó làm đau đớn bất cứ ai !

Nhân dịp cá tháng 4 , CDV xin tiếp tục chia sẻ đến quí độc giả chương trình Cảm nhận âm nhạc với chủ đề ” Lời nói dối chân thật ” Mong rằng chương trình này sẽ mang lại những phút giây giải trí cuối tuần vui vẻ cho mọi người.

Nếu còn có ngày mai

Cuộc sống nơi đất khách của những người di dân chưa bao giờ là dễ dàng. Có  người đã từng nói với mình ” 1 người mới định cư Thụy Điển phải mất ít nhất 5 năm mới có thể có 1 cuộc sống bình thường ” .  Như 1 cái cây bị bứng rễ để mang đi trồng ở vùng đất khác , nó khiến cho cuộc sống của những người Việt xa xứ mang đầy những khó khăn, trăn trở về ngày mai.

Vì vậy cho nên trong chương trình âm nhạc tuần này CDV xin chia sẻ với anh chị em chương trình ” Nếu còn có ngày mai ” như thông điệp ” Không phải lúc nào mọi chuyện cũng như dự định của bạn và bạn cảm thấy mệt mỏi chán nản ! Không sao hết bạn cứ ngồi xuống nghỉ ngơi , chỉ cần bạn biết rằng mai sẽ là một ngày mới. Một ngày mới cho ban cố gắng. Một ngày mới với những cơ hội khác đang chờ. Tin ở bản thân, tin ở những người bạn yêu thương. Và đừng bao giờ ngững hy vọng nếu còn có những ngày mai. Hạnh phúc đến dễ dàng không thể là hạnh phúc đích thực. Chúc các bạn luôn đạt được những thành công và sớm biến những giấc mơ hoài bão của mình.”

Cách tiết kiệm tiền của tỉ phú Thụy Điển

Tỷ phú sáng lập công ty nội thất Ikea Ingvar Kamprad tiết lộ ông hay cắt tóc trong chuyến công tác tới những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam để tiết kiệm tiền.

Tỷ phú Kamprad sống rất tiết kiệm. Ảnh: Jobstreet

Theo Guardian, ông Kamprad sinh năm 1926, sẽ bước sang tuổi 90 vào ngày 30/3 tới, nổi tiếng là người tiết kiệm. Ông cho biết mình chuyên mua quần áo ở chợ trời để tiết kiệm và nhấn mạnh, tiết kiệm là bí quyết khiến Ikea trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới.

“Trên người tôi chẳng có món nào là đồ mới cả, toàn bộ đều mua ở chợ trời. Tôi muốn lấy mình ra làm gương”, ông tâm sự với kênh TV4 của Thụy Điển trong bộ phim tài liệu về mình.

“Tiết kiệm là bản chất của người Småland”, ông tự hào nói về quê mình, tỉnh miền nam Thụy Điển chuyên làm nông nghiệp.

Ông Kamprad sở hữu khối tài sản ròng ước tính gần 40 tỷ USD, là người giàu thứ 10 thế giới và giàu thứ hai châu Âu, theo bảng xếp hạng năm 2016 của Wealth-X. Năm 2006, tạp chí Forbes của Mỹ từng xếp hạng ông là người giàu thứ 4 thế giới.

Thói quen chi tiêu tiết kiệm của ông Kamprad nổi tiếng nhiều năm nay. Năm 2008, ông từng tiết lộ lần cắt tóc đắt nhất trong đời mình là ở Hà Lan, khi phải chi tới 24 USD.

“Thường thì tôi cố cắt tóc lúc đi tới các nước đang phát triển. Lần gần đây nhất là ở Việt Nam”, ông nói.

Từ năm 2010 tới nay, ông từng bước bàn giao công ty gia đình cho ba người con trai, và trở về Thụy Điển sinh sống năm 2014.

Hồng Hạnh
Theo vnexpress.net