Tag Archives: phụ nữ

Vì sao phụ nữ Thuỵ Điển càng thành đạt càng dễ ly hôn ?

Có sự nghiệp thành công, được làm công việc yêu thích cùng với mối quan hệ tình cảm lãng mạn viên mãn là mục tiêu đáng mơ ước của nhiều người chúng ta.

Nhưng ngay cả ở các quốc gia bình đẳng giới nhất như phụ nữ Thuỵ Điển thành đạt gặp khó khăn hơn nhiều so với nam giới trong việc duy trì được mối quan hệ hôn nhân lâu dài.

Ở Thụy Điển, quốc gia vốn đứng đầu trong chỉ số bình đẳng giới châu Âu nhờ các yếu tố như chế độ nghỉ làm để chăm con hào phóng, được trợ cấp chi phí gửi trẻ và được sắp xếp làm việc linh hoạt, gần đây các nhà kinh tế đã nghiên cứu xem sự thăng tiến lên các chức vụ cao ảnh hưởng như thế nào đến xác suất ly hôn của mỗi giới. Kết quả: phụ nữ nhiều khả năng phải đánh đổi những đổ vỡ cá nhân để đạt thành công trong sự nghiệp với mức độ cao hơn nhiều so với nam giới.

“Được đề bạt lên vị trí hàng đầu trong hoạt động chính trị dẫn đến việc làm tăng tỷ lệ ly hôn ở phụ nữ, nhưng nam giới thì không hề bị ảnh hưởng. Còn phụ nữ trở thành giám đốc điều hành thì ly hôn nhanh hơn so với nam giới,” theo ý kiến đánh giá của bà Johanna Rickne, giáo sư tại Đại học Stockholm và là đồng tác giả của nghiên cứu được công bố đầu tháng Một năm nay trên Tạp chí Kinh tế Mỹ.

Nghiên cứu này, vốn theo dõi đời sống của những người dị tính làm việc cho các công ty tư nhân có từ 100 nhân viên trở lên, cho thấy phụ nữ đã kết hôn có khả năng ly hôn cao gấp hai lần sau ba năm kể từ khi được thăng chức lên vị trí giám đốc điều hành so với các đồng nghiệp nam.

Trong lĩnh vực công, số liệu lưu trữ qua ba thập niên cho thấy các nữ thị trưởng và nữ nghị sĩ cũng tăng gấp đôi nguy cơ ly hôn sau khi thắng cử; chỉ 75% vẫn duy trì quan hệ hôn nhân 8 năm sau kỳ bầu cử trong lúc tỷ lệ này ở những phụ nữ không thăng tiến là 85%, trong khi không có bằng chứng nào cho thấy đàn ông chịu ảnh hưởng tương tự.

Nữ bác sĩ, nữ cảnh sát và nữ tu thăng tiến trong sự nghiệp cũng nằm trong xu hướng này.

Khi người phụ nữ đảm nhận các vai trò mới về kinh tế và xã hội thì mối quan hệ tình cảm của họ có thể bị ảnh hưởng do những thay đổi về thời biểu và thời gian rảnh rỗi dành cho gia đình

Các tác giả lưu ý rằng tuy hầu hết những người tham gia nghiên cứu đều có con cái, nhưng con cái họ đa phần đều đã ra ở riêng vào thời điểm cha mẹ ly hôn, điều đó cho thấy những căng thẳng dẫn đến các cuộc hôn nhân tan vỡ không phải là do áp lực của việc chăm sóc con nhỏ.

Rickne nói rằng mặc dù Thụy Điển đã sẵn có một hệ thống luật pháp và cấu trúc xã hội đủ văn minh để tạo ra “kỳ vọng rằng bạn không cần phải lựa chọn giữa gia đình và sự nghiệp,” nhưng nghiên cứu cho thấy những gì xảy ra với các gia đình khi người phụ nữ thăng tiến trong sự nghiệp thường là một câu chuyện khác hẳn.

Nhiều cặp vợ chồng trở nên “căng thẳng và xích mích” khi có sự thay đổi trong việc phân chia vai trò kinh tế và xã hội trong gia đình, ví dụ như họ có thể dành thời gian nhàn rỗi cho nhau nhiều ít tới mức nào, hoặc cách họ phân chia việc nhà.

Nhưng điều này, nhóm nghiên cứu nói, thường trở nên trầm trọng hơn khi người vợ được thăng chức, vì điều đó tạo ra nhiều sai lệch so với kỳ vọng.

Nghiên cứu của Rickne không đo đếm tới việc ai là người khởi xướng chuyện ly hôn, nhưng có ý kiến cho rằng khi vợ thăng tiến thì các ông chồng cảm thấy khó thích ứng hơn so với tâm lý của phụ nữ khi chồng thành đạt.

Bà chỉ ra rằng thị trường hôn nhân không theo kịp thị trường lao động trong vấn đề bình đẳng giới, bởi “việc nam giới trở thành người phối ngẫu lui lại phía sau hỗ trợ cho sự nghiệp của bạn đời vẫn bị coi là điều tương đối không bình thường.”

“Tôi nghĩ rằng còn lâu mới thay đổi được quan niệm này,” bà nói thêm. Do đó, bà cho rằng nghiên cứu của nhóm có thể đóng vai trò như một bài học về những gì đang diễn ra trước mắt cho các quốc gia khác đang tiến tới các nền kinh tế bình đẳng hơn.

Mối quan ngại chung

Với Charlotte Ljung, 39 tuổi, giám đốc điều hành của một tập đoàn sản xuất giường và đồ nội thất cao cấp ở Thụy Điển, đồng thời là người điều hành một nền tảng tư vấn trực tuyến cho những người ly hôn, thì nghiên cứu của Rickne phản ánh những mối quan ngại chung đối với tầng lớp những phụ nữ thành đạt như cô.

“Có câu nói đùa là ‘càng thành đạt trong công việc thì bạn càng dễ ly hôn’,” cô cười nói.

Theo nghiên cứu của Rickne, các nữ thị trưởng và nữ nghị sĩ sau khi thắng cử sẽ tăng gấp đôi nguy cơ chia tay với chồng

Cô ly hôn khi hai con còn nhỏ và nói rằng đối với cô, việc quay cuồng ba đầu sáu tay vừa làm tròn vai trò người mẹ vừa giữ trọng trách trong công ty là lý do chính gây bất hòa trong cuộc hôn nhân.

Nhưng Ljung tin rằng chính “các khía cạnh thực tiễn” của việc trở thành một CEO, chẳng hạn như đi công tác thường xuyên, làm việc nhiều giờ và áp lực phải tạo hình ảnh trước công chúng thường khiến cho người phối ngẫu của các nữ quản quản lý cấp cao cảm thấy khó thích nghi, ngay cả khi họ không có con cái.

“Cũng có vấn đề về quyền chủ động nữa- ai là người có tiếng nói quyết định trong gia đình, ai là người kiếm nhiều tiền hơn,” cô nói. “Nam giới thời nay ban đầu thì thường thấy phấn khởi khi vợ được thăng chức và muốn được là người hỗ trợ, động viên vợ – và tôi cho rằng đó là điều rất tích cực – nhưng về lâu về dài, khi đối diện với thực tế thì người đàn ông sẽ cảm thấy khó ứng phó được.”

Chọn người chồng phù hợp

Vậy làm thế nào để những phụ nữ có tham vọng nhắm đến các vị trí cao cấp có thể giảm thiểu cơ hội rơi vào một mối quan hệ bất ổn khi họ đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp?

Rickne chỉ ra rằng ngay cả ở các quốc gia bình đẳng như Thụy Điển, phụ nữ vẫn có xu hướng lấy chồng lớn tuổi hơn, những người ngay từ đầu đã có nhiều tiền hơn họ, theo mô-típ truyền thống là tìm cưới “hoàng tử trong cổ tích”, vốn “dạy dỗ và thúc giục chúng ta tìm được ông chồng càng thành đạt càng tốt”.

“Phụ nữ có vị trí xã hội cao, có thu nhập cao – họ không chịu kết hôn với một người đàn ông có thu nhập thấp muốn trở thành một ông chồng nội trợ. Họ có xu hướng tìm kiếm một người chồng có thu nhập cao hơn mình. Nhưng nếu tính đến các lựa chọn bạn có thể có trong thị trường lao động thì đó có lẽ không phải là một ý nguyện tốt,” bà nói. “Nên chăng hãy thử và chấp nhận một mối quan hệ trung bình hơn ngay từ đầu.”

Nghiên cứu của bà ở Thụy Điển cho thấy việc ly hôn sau khi người vợ được thăng chức nhiều khả năng xảy ra hơn ở các cặp vợ trẻ chồng già và người vợ đảm nhận nhiều hơn việc nghỉ làm chăm sóc con (ở Thụy Điển, luật quy định các cặp vợ chồng có quyền chia đều thời gian nghỉ làm chăm con).

Các cặp vợ chồng gần tuổi nhau và chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con cái đồng đều hơn sẽ ít ly hôn hơn sau khi người vợ thăng tiến trong sự nghiệp.

Nghiên cứu trên nói rằng cần có thêm các nghiên cứu khác nữa để tìm hiểu các điều kiện khuyến khích “phụ nữ có tài mở rộng danh sách ứng viên phu quân tương lai theo hướng ‘giảm bớt tiêu chuẩn kết hôn’ và nam giới thì thực hiện theo hướng ngược lại.”

Charlotte Sundåker, 38 tuổi, được đề bạt làm quyền CEO của một công ty giáo dục toàn cầu ở Stockholm hai năm sau khi có con đầu lòng với người bạn đời Christian Hagman, 31 tuổi.

Cô tin rằng tuổi trẻ của anh đóng vai trò tích cực trong việc giữ được mối quan hệ của họ bởi đã có “rất nhiều xích mích xảy ra” sau khi cô được thăng chức; anh “ít bị áp lực phải thành công hơn” bởi anh đang trong một giai đoạn trầm lắng của sự nghiệp.

Sundåker mô tả Hagman là một người “thuộc thế hệ khác, thế hệ luôn gắng thách thức những cách thức cũ trong việc làm một người đàn ông”, điều này khiến anh ủng hộ áp lực công việc vất vả của cô.

Nhưng cả hai đều đồng ý rằng lý do cốt lõi mà họ vẫn ở bên nhau được là những cuộc trò chuyện thường xuyên và chân thành về những thách thức mà họ đang phải đối mặt.

“Khi cô ấy vừa mới bắt đầu, ngay lập tức cô đã bị công việc nhấn chìm. Đó là bản chất của việc trở thành một CEO,” Hagman nói. “Tôi đã hơi buồn khi không thể kết nối với cô ấy hàng ngày từ góc độ của một người chồng với vợ của mình… May sao cô ấy nhận ra sự âu lo của tôi và lắng nghe tôi, cả tôi cũng làm như vậy.”

Ở các quốc gia như Thụy Điển, phụ nữ thu nhập cao có xu hướng từ chối các mối quan hệ bình đẳng, thích tìm kiếm những người chồng có thu nhập cao hơn

Vợ chồng Sundåker và Hagman chia sẻ rằng việc có một kế hoạch dài hạn cũng hết sức cần thiết, và họ hiểu rằng Hagman cũng sẽ muốn có khoảng thời gian tập trung vào sự nghiệp của riêng mình trong tương lai.

Anh kể từ đó đã bắt đầu mở công ty tư vấn thiết kế riêng, còn Sundåker nay có công ty riêng cô đồng thời lãnh đạo Ownershift, một tổ chức tư vấn của Thụy Điển có nhiệm vụ tăng cường quyền lực cho phụ nữ phát triển sự nghiệp.

Giám đốc điều hành Charlotte Ljung đã ly hôn tin rằng việc nâng cao nhận thức về những thách thức chung của các cặp gặp phải sau khi vợ được thăng chức cũng giúp cải thiện cơ hội giữ mối quan hệ hôn nhân tồn tại, ngay cả đối với những người có quan niệm bảo thủ với vai trò truyền thống của từng giới.

“Cần phải cẩn trọng khi nại đến vấn đề nữ quyền và chỉ trích người khác bởi trong thực tế thì nam giới không hề được chuẩn bị gì trước thay đổi này,” cô nói. “Chúng ta cần cung cấp các công cụ tốt hơn và nâng cao nhận thức về chủ đề này bằng cách thảo luận về nó. Cũng giống như cách chúng ta có biện pháp trị liệu xoá bỏ dị nghị ở Thụy Điển, liệu có điều tương tự mà chúng ta có thể làm để giúp đỡ nam giới hay không?”

Lợi ích của việc ly hôn

Trong khi đó thì ly hôn không hẳn là một điều tồi tệ.

Molly Malm, luật sư của hãng luật Thụy Điển Lexly, chỉ ra rằng tại Thụy Điển tỷ lệ ly hôn cao so với phần còn lại của EU là có liên quan đến các mục tiêu bình đẳng giới.

Mức độ tham gia cao của phụ nữ trong lực lượng lao động và nguyên tắc chia sẻ quyền chăm con chung sau khi chia tay giúp cho những người ly dị ở mọi thành phần kinh tế dễ dàng ly hôn khi cuộc sống chung không còn như mong muốn nữa.

“Ly hôn không nhất thiết là dẫn đến ngày tận thế,” Malm, người chỉ ra rằng kết hôn nhiều lần trong một đời người đã trở thành điều bình thường ở bán đảo Scandinavia, nói.

“Thụy Điển không quá đề cao tôn giáo… Bạn kết hôn vì lý do lãng mạn và vui vẻ, hai người tay trong tay trong lễ cưới hoành tráng. Nếu không thành công, bạn biết rằng bạn hoàn toàn có thể nộp đơn ly hôn.”

Dữ liệu của Rickne cho thấy rằng phụ nữ ly hôn sau khi được thăng chức ít có khả năng tái hôn hoặc có mối quan hệ tình cảm nghiêm túc hơn so với đàn ông.

Nhưng từ nghiên cứu của bà, không thể rút ra kết luận liệu họ có hạnh phúc hơn khi không có bạn đời hay không, hay liệu họ có cảm thấy khó khăn hay không trong việc tìm kiếm một người mới, so với nam giới.

Tuy nhiên, một kết quả mang tính xây dựng của tỷ lệ ly hôn cao, bà nói, đó là việc cả nam giới và phụ nữ ở Thụy Điển đều dễ dàng hơn nhiều trong khả năng nắm giữ vai trò cao cấp trong kinh doanh và chính trị mà không cần phải là người có gia đình.

“Ở những nơi khác… nếu bạn đang vận động tranh cử và muốn kêu gọi sự ủng hộ của cử tri, bạn gần như phải có bạn đời ở bên cạnh. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với các CEO – rằng người bạn đời của họ trở thành một hình ảnh giá trị trong sự nghiệp của họ, nhưng ở Thụy Điển, điều đó không thực sự cần thiết,” Rickne nói.

“Xã hội đã chấp nhận ly hôn nhiều hơn và đó có thể là một điều tích cực,” bà lập luận.

“Nếu phụ nữ có mối quan hệ bất bình đẳng với người bạn đời đến mức người chồng không hỗ trợ cho sự nghiệp của vợ, thì việc ly hôn cho phép phụ nữ tiếp tục sự nghiệp một mình và hoàn toàn có thể tìm kiếm một người bạn đời mới… Không nhất thiết phải sống trọn đời trọn kiếp với một người đàn ông mới là tốt.”

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Worklife.

Tên của Quên là Tha Thứ!

Một trong những mặt trái của xã  hội Thụy Điển chính là đời sống hôn nhân. Rất nhiều gia đình người Việt ở Thụy Điển lúc mới định cư ở Thụy Điển thì chia nhau từng dĩa rau, tô mì gói, chen chúc cả cha mẹ con trong 1 căn nhà lägenhet 1 phòng (nhà chung cư cho thuê) nhưng đến lúc nhà biệt thự, xe hơi hiệu thì lại chia nhau ra ở riêng.

Đó không chỉ là vấn nạn của người Việt mà cả người Thụy Điển cũng vậy khi vừa qua cơ quan Thụy Điển công bố con số thống kê cho thấy tỉ lệ li dị ở Thụy Điển thuộc hàng đầu thế giới khi tỉ lệ ly hôn chiếm tới 50% và 1/5 người Thụy Điển chết trong cô đơn. Bản thân những người bản địa cũng mắc kẹt với những khúc mắc của cuộc sống công nghiệp và tư tưởng bình quyền nam nữ.

Rất khó để phân tích trong hôn nhân ai đúng, ai sai hoặc như thế nào mới là tốt nhất vì người Thụy Điển có thể nói là họ rất cởi mở, thân thiện luôn đi tìm gốc rễ mọi vấn đề để lí giải và đưa ra phương pháp giải quyết chúng nhưng cuối cùng vẫn là quốc gia thất bại nhất trong vấn đề hôn nhân.

Thôi thì CDV xin chia sẻ đến quí đọc giả 1 bài viết của tác giả Trang Hạ. Cô là 1 nhà văn với lối viết nhẹ nhàng đôi chút châm biếm nhưng lại khiến đọc giả phải ngẫm nghĩ rất nhiều đến cách nhìn và lý giải của cô về cuộc sống và nhất là vấn đề hôn nhân, gia đình và phụ nữ. Mong quí đọc giả có những phút giây thư giãn với bài viết dưới đây của Trang Hạ với tựa đề ” Tên của quên là tha thứ” được đăng trên Vnexpress.net.

Một đêm mùa đông Hà Nội trước Tết nguyên Đán, trời rét căm căm, chồng tôi đi sinh nhật bạn, hát karaoke về đã một giờ sáng. Năm đó, tôi đang mang bầu con gái đầu lòng, bụng chửa vượt mặt, nằm co ro trong chăn chờ chồng đi chơi về, không thể nào ngủ được.

Mẹ chồng tôi mắng từ lúc nghe tiếng mở cửa lạch xạch, thằng kia mày sắp là bố trẻ con rồi mà còn vô trách nhiệm, đi đâu giờ này mới về? Còn tôi chỉ ló đầu ra khỏi chăn hỏi: “Anh có đói không? Có ăn gì không em đi mua cho”.

Mười lăm năm sau này, khi con gái thi đỗ vào trường chuyên, chồng tôi mới kể lại kỷ niệm đó. Câu nói của tôi năm ấy làm anh nhớ mãi và thay đổi đến hôm nay. Vợ mình bụng chửa vượt mặt còn sẵn sàng nửa đêm ra khỏi chăn ấm đi mua đồ, xuống bếp nấu bát mì trứng nóng, trong khi mình không làm gì để chăm sóc vợ? Đáng lẽ mình phải là người đi mua đồ ăn, xuống bếp nấu cho cô ấy mới phải.

Anh nhớ cả chuyện thấy tôi cứ lủi thủi ôm bụng bầu đi bộ buổi tối nên lần đầu tiên đi cùng cho tôi vui. Anh nhớ kỹ buổi trưa mùa hè, tôi đi tay không từ nước ngoài về để lại toàn bộ đồ đạc và máy tính (15 năm trước laptop là tài sản lớn nhất của gia đình). Vợ định kiếm cớ lại đi nước ngoài để du học tiếp. Sao vợ có thể quên nhỉ?

Không, tôi đã quên rất nhiều thứ trong cuộc sống hôn nhân này. Tôi quên những lời mắng nhau khi giận dữ, những lần dỗi hờn, mặt sưng mày sỉa, bữa cỗ nấu thiếu món, đi chợ mua đồ bị tráo mớ tôm tươi thành tôm chết, để quên nồi trên bếp cháy quá lửa, bữa cơm chờ mãi nguội ngắt…

Chồng tôi cũng đã quên những bữa tôi đãng trí; lời phàn nàn của họ hàng về tính khí thất thường, lãnh đạm của tôi; tôi nói dối chồng để quyết tâm đi du học thạc sĩ. Chồng tôi quên cả những ngày dắt con đi học buổi sáng, hàng xóm ngồi xổm dọc đường trêu chọc làm chồng mà phải cho con đi ăn sáng, cho con đi học, không xứng mặt làm đàn ông…

Một cuộc hôn nhân hạnh phúc hay không, chỉ hai người biết nhưng cuộc hôn nhân đau khổ hay không, cả xã hội đều biết. Nếu đám đông dễ dàng nhìn thấy những thứ tồi tệ thì người phụ nữ càng phải giữ được những thứ tốt đẹp mà cuộc sống của mình đang có. Tên của quên là tha thứ.

Nhà là nơi duy nhất chúng ta sống không tính sổ với nhau, được nhận quyền trợ giúp vô điều kiện. Tha thứ không cần nhân danh yêu thương và không quan trọng bạn giàu hay nghèo. Thứ tha chắc chắn mang lại hạnh phúc bền chặt và thấu hiểu nhau. Ngày hôm nay, khi con gái sắp sửa đi du học, vợ chồng tôi nhìn lại cuộc hôn nhân gần hai mươi năm qua, rút ra chiêm nghiệm như thế.

Phụ nữ không phải cứ thứ tha là không cứng rắn. Tôi cũng muốn chồng thay đổi, muốn được làm nũng khi mang bầu. Nhưng tô phở, mì, miến bữa điểm tâm giữa đêm đông năm ấy, nếu tôi tính sổ với chồng, phải là chồng bưng đến bên giường cho tôi mới đúng. Nhưng may sao tôi ngây thơ và thực tâm, tôi hỏi thực lòng, sẵn lòng vào bếp vì chồng. Chính sự chân thành ấy lại giúp vợ chồng tôi hiểu nhau hơn so với việc lấy lý lẽ ra so kè.

Phụ nữ hiện đại không cần phải quá ghì chặt mình vào gian bếp mỗi ngày nếu đấy không là việc làm chị em thoải mái. Phụ nữ vẫn là một phần chính trong cuộc sống để gia đình luôn vui vẻ, đầm ấm. Nếu yêu thương thực lòng, phụ nữ sẵn sàng vào bếp mà không hề gượng gạo tính suy. Chồng cũng thực lòng nên tự thay đổi, không cần ai hô hào. Từ chối những đám chơi khuya, trồng cho vợ cây hoa hồng bạch bé xíu, ở bên khi vợ cần, dù cô ấy chỉ là một bà vợ đãng trí, đểnh đoảng, giận thường nói nhiều, đấy có phải sự thứ tha.

Vợ chồng xứng đáng được nhận những thứ tốt đẹp từ cả hai. Có những khi, thứ tha hiểu đơn giản là yêu thương. Bỏ qua những gì người ta nói và lắng nghe thật kỹ nửa kia nói. Bạn tha thứ vì bạn quá thua kém, bị lệ thuộc vào mối quan hệ chồng vợ hay tha thứ vì bạn thực sự mạnh mẽ, chỉ bạn biết.

Trang Hạ – một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng xã hội của Việt Nam 2017 do Forbes bình chọn.

P/S: ảnh là ông xã chụp cho mình hồi nửa năm trước, khi “hộ tống” vợ đi chạy bộ ở Mỹ. Công viên này là Boston Common, được xây từ năm 1634, là công viên lâu đời nhất của Mỹ, nằm ở bang Massachusetts.
Nguồn : https://vnexpress.net/doi-song/trang-ha-tha-thu-giup-mang-lai-hanh-phuc-ben-chat-3766369.html

 

Món quà mừng ngày quốc tế Phụ nữ 8/3

Nhân dịp 8/3 , mình CDV gửi tặng đến các chị em phụ nữ, các mẹ các bà một món quà âm nhạc. Đây là một chương trình đã có từ rất lâu được sưu tầm từ 1 diễn đàn. Dù đã nghe đi nghe lại rất nhiều lần nhưng mỗi lần nghe lại vẫn thấy rất hay và cảm động. Mong rằng đây sẽ là một món quà tinh thần có ý nghĩa cho mọi người trong ngày lễ đặc biệt dành cho phụ nữ này.

Qua chương trình này mọi người sẽ được nghe các câu chuyện cảm động về những người phụ nữ quanh ta cũng như ý nghĩa của họ đối với cuộc sống chúng ta. Mong rằng mọi người sẽ thích chương trình này. (Hãy bật loa lớn lên để nghe và cảm nhận nhé )

Vì sao phụ nữ nên chọn đàn ông tuổi 30

Tôi đã đang dần tiến đến cái mốc 30, một trong những mốc vô cùng quan trọng của tiến trình “tiến hóa” thành đàn ông. Và đây, là một đoạn “đúc kết” có thể nói đúng đến 90% cho cánh đàn ông tuổi 30. Mời các bạn đọc:

Những năm 20, người ta uống bia, uống rượu đến mức ngủ lúc nào không biết. Tỉnh dậy thấy ngổn ngang bạn bè, ngổn ngang nôn mửa. Đàn ông 30, tối bắt đầu nhìn đồng hồ căn giờ ngủ, không quên súc miệng nước muối, cuốn khăn giữ ấm họng. Bắt đầu biết lo cho bản thân hơn. Tần số các cuộc nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng giảm dần. Bắt đầu để ý đến sức khỏe và cân nặng.

Đàn ông 30 sau khi đi qua cả một thời trai trẻ nhiệt huyết, bốc lửa của tuổi 20, đã đi, đã đến, đã chinh phục, đã thất bại, đã trải qua những cảm xúc thăng hoa tuyệt vời cũng như cảm giác cay đắng tưởng như tận cùng. Nhìn lại những tháng năm đi qua bỗng thấy hun hút trống trơn, có lúc giật mình thảng thốt.

Những năm 20, người ta có thể diện một chiếc quần bò lỗ chỗ, mặc áo pull in hình Manowar, tự tin đeo khuyên tai, tự chọn cho mình màu tóc ưa thích. Khi 30, người ta bắt đầu chuộng hơn quần âu, một sơ mi măng séc là phẳng. Người ta cũng bắt đầu chọn cho mình một chiếc cà vạt hợp tâm trạng. Khi 30 còn diện quần jeans bạc phếch, nhuộm tóc khác màu đen đã có cảm giác lạc điệu.

đàn ông tuổi 30

Cái thời 20 máu lửa, sẵn sàng dựng xe, vác chầy xông vào nhau chỉ vì một lời xúc phạm. Đàn ông 30 bình thản trả lời “không muốn gì cả” khi một thằng oắt con đầu vàng, quần côn bó, ép xe vào lề đường hất hàm “muốn gì?”. Đàn ông 30 bắt đầu có khái niệm “chỉ số AQ đủ dùng”.

Đàn ông 30 bắt đầu cảm thấy nhu cầu tất yếu cạo râu, sửa gọn lông mũi, xịt nước thơm mỗi khi bước ra khỏi nhà. Đàn ông 30 bắt đầu ăn mặc không theo một hình mẫu, không theo một thần tượng nào, bắt đầu làm đẹp không chỉ dành cho các cô gái mà phần nhiều để cảm thấy đàng hoàng, tự tin tiếp xúc với các đối tác làm ăn, giao dịch. Đàn ông 30 cảm thấy tự tin khi mặc vest.

Đàn ông 30 bắt đầu cho mình cái quyền đòi hỏi một vị trí trong xã hội, đòi hỏi vai trò của mình trong cuộc sống, trong tổ chức. Nhu cầu muốn khẳng định mình. Đàn ông 30 đi đường ít khi ngoái lại nhìn theo một cô gái trẻ đẹp để thầm xuýt xoa về thân hình nhưng lại thường xuyên ngoái nhìn theo một chiếc xe đẹp hay một người đàn bà nền nã. Đàn ông 30 nhìn thấy vẻ đẹp của người đàn bà 30.

Đàn ông 30 “thèm” một chân dài nhưng “cần” một sự cảm thông, cần một điểm tựa tâm hồn. Đàn ông 30 muốn một mái ấm, tìm cho mình một người đàn bà có thể đi tiếp quãng đường tương lai. Bắt đầu hình dung về ngôi nhà và những đứa trẻ. 30 là lúc bắt đầu cảm thấy tự tin, cảm nhận được sức gánh của đôi vai mình, đủ tự tin và bình thản để hứng chịu những thử thách của cuộc đời.
Đàn ông 30 bắt đầu lôi những giấc mơ lóng lánh, leng keng một thời tuổi trẻ ra để đổi lấy những mục tiêu thực tế hơn và đôi khi giản dị hơn. Đàn ông 30 dám nghĩ, dám làm, dám chơi, dám đối mặt với thất bại và cũng dám dừng. Đàn ông 30 bắt đầu phân biệt được ranh giới của sự lố bịch, nhìn thấy được cái ngưỡng đủ. Đàn ông 30 đủ tinh tế để vượt qua những giá trị phù phiếm.
Tuổi 30, đàn ông dần tự tin để thấy mình là đàn ông khi đứng trước phụ nữ, dám nhìn sâu vào mắt đối phương để tìm sự đồng điệu về cảm xúc. Đàn ông 30 biết yêu và có trách nhiệm hơn với cảm xúc của mình, cũng biết gìm mình trước những thất bại, bình thản trước tai họa. Thấm thía được nỗi cô đơn, thấm thía được sự bội bạc, cảm nhận được đến tận cùng sự ấm áp tình người mà con người dành cho nhau. Khác hẳn cái yêu thời 20, yêu và vô trách nhiệm với tình yêu, vô trách nhiệm với chính bản thân mình.
Đàn ông 30 khi nghĩ về gia đình có thêm trách nhiệm. Cậu bé 20 nghĩ về bố mẹ với những sự ràng buộc, gò bó khuôn khổ gia đình. Đàn ông 30 nghĩ về bố mẹ ngoài nỗi nhớ còn kèm theo mong muốn mình được làm chỗ dựa, được che chở cho gia đình.
– – –
Còn bạn, năm nay, bạn bao nhiêu tuổi?

Phụ nữ mới nhập cư sẽ được giúp đỡ để có việc làm

Từ đây cho đến năm tới, Sở lao động (Arbetsförmdlingen) sẽ làm việc theo phương pháp mới. Nghĩa là những phụ nữ vừa mới tới Thụy Điển sẽ được trợ giúp tốt hơn để có việc làm.
Đài phát thanh Thụy Điển đã phát thanh vừa qua.

Phụ nữ sẽ được trợ giúp tốt hơn để có việc làm

Ngày nay phụ nữ nhận được trợ giúp tệ hơn là đối với đàn ông. Họ cũng không được hưởng đầy đủ quyền lợi để được đào tạo và thực tập ngắn hạn , đây là những quyền lợi sẽ giúp họ thực sự có được công việc.
Hiện nay đã có 10 sở lao động thử nghiệm phương pháp làm việc mới. Với các làm này những phụ nữ nhận được thêm hỗ trợ và giúp đỡ. Và nó đã cho thấy kết quả khả quan. Cho nên sắp tới đây toàn bộ các sở lao động trên khắp cả nước sẽ bắt đầu làm việc theo phương pháp mới từ năm 2016.

Shirin là một phụ nữ đến từ Iran, cô cho rằng nó dường như là khá tốt. Cô ta muốn học để trở thành y tá càng nhanh càng tốt.
+ Những người làm việc tại sở lao động phải bắt đầu cho chúng tôi cơ hội. Thật là không hay khi cứ phải chờ đợi quá lâu để có việc làm. Cô phát biểu với Đài phát thanh Thụy Điển ( Sverige Radio).

Nguồn dịch : http://8sidor.se/inrikes/2015/10/nyanlanda-kvinnor-ska-fa-hjalp-till-jobb/

Yêu đàn ông từng trải

Có một người đàn ông yêu tôi anh ấy không bao giờ hỏi về quá khứ của tôi, không trách mắng tôi, và dù có say đến đâu anh ấy cũng nhất định về nhà với tôi.

Đó là người đàn ông – người đàn ông từng trải tôi yêu.
Vì sao tôi yêu “đàn ông từng trải”?.
Đàn ông từng trải, ít khi khoe khoang những thứ bản thân đã làm được, mà chịu khó kể về quá trình đã làm những gì để có được thành quả. Họ sẽ chia sẻ kinh nghiệm chứ không khoác lác về thành tích phù phiếm, với họ thành quả họ có được trả bằng rất nhiều lần “ngã”.

Đàn ông từng trải, họ không sợ lời thiên hạ, chỉ sợ bản thân nản lòng, là người đàn ông luôn đặt mục tiêu cố định và tiến về phía trước. Họ là những người hành động nhiều hơn lời nói, chỉ khi làm được họ mới nói về nó.

Người đàn ông từng trải, họ qua rồi giai đoạn trẻ trung để “Thử” và “Sai”. Họ có thể đã sai rất nhiều để tiếp tục thử nên cần đạt được những giá trị nhất định, và khi đạt được rồi lại ít khi nói tới.
Họ luôn biết điểm dừng của những cuộc vui với từng mối quan hệ, ngay cả trên bàn rượu cũng là công việc ít khi họ rong chơi với họ không còn thời gian cho mối quan hệ chơi đùa. Và dù có phê díu họ cũng nhất định phải về nhà ngủ.

Đàn ông từng trải, họ biết giá trị của một người phụ nữ yêu họ. Có thể trải qua nhiều cuộc tình, nhưng chỉ cần là người cuối cùng của họ thì họ nhất định không để mất người phụ nữ đó. Vì chính họ cũng đã trưởng thành từ rất nhiều mối tình khi trai trẻ, nên họ luôn “trân trọng” người yêu họ.

Đàn ông từng trải, ít khi nổi cáu trong mọi chuyện họ sẽ tìm cách phân tích đúng sai. Dù có cãi vã họ im lặng và là người nói lời xin lỗi trước, đơn thuần họ không muốn mất những thứ họ có.

Đàn ông từng trải, biết cách kéo người yêu ra khỏi những cuộc vui chơi quên gia đình. Thay vì đi bar cùng người yêu, họ thích kéo nhau về nhà nấu một bữa tối, không thì về nhà ăn cơm cùng gia đình.

Vì cơ bản, đàn ông từng trải đã “từng trải” quá nhiều cuộc vui, nên cái bình yên nhỏ nhặt lại là cái cần thiết nhất.
Và tôi yêu một người đàn ông như thế.

Tác giả: MiêuĐiên