Phân tích chiến lược của các quốc gia trong cuộc chiến chống Virus Corona Vũ Hán

Từ Sài Gòn: Ngoài đường hàng quán thì đóng cửa hết, khách sạn gần nhà thì đang bị phong tỏa do du khách người Anh ghé thăm . Loanh quanh trong nhà chán quá nên viết vài dòng chém gió về chủ đề Corona. Vâng, lại là Corona. Nếu các bạn đã quá chán ngán với chủ đề này thì cứ kéo xuống đọc bài khác nhé !

Một tuần vừa qua là một tuần đầy biến động trên thế giới. Ứng phó với đại dịch, mỗi quốc gia chọn cho mình 1 chiến lược khác nhau. Với những gì một thằng gà về dịch tễ học như mình quan sát được, tựu trung lại có 3 chiến lược chính: phòng thủ từ sớm, phòng thủ khi đến thời điểm và không phòng thủ.

Chiến lược nào đúng nhất có lẽ chỉ có thể trả lời được khi dịch kết thúc.

Dưới đây là một số nước mà mình biết (còn các nước khác ít thông tin quá nên không biết đá đấm thế nào ) :

Chiến lược phòng chống dịch bệnh từng quốc gia
Chiến lược phòng chống dịch bệnh từng quốc gia

1. Trung Quốc:

Cho đến giờ, khá nhiều dữ kiện cho thấy chính phủ TQ đã biết về Corona trước khi dịch bùng phát khoảng 2-4 tuần, tuy nhiên họ quyết định không công bố (vì nhiều lý do) cho đến khi buộc phải công bố. Người ta cho rằng nếu hành động sớm hơn, dịch sẽ được cô lập tại một vùng nhỏ của TQ và bị dập tắt (chỉ là giả thuyết).

Khi tình hình không kiểm soát được ở Vũ Hán, TQ đã chọn chiến lược cách ly/phong tỏa ở cấp độ thành phố, ban đầu là Vũ Hán, sau đó là các thành phố của tỉnh Hồ Bắc.

Con số nhiễm/ tử vong sau cách ly vẫn tăng lên, nhưng sau đó đạt đỉnh và giảm xuống.

Điều quan trọng hơn là con số nhiễm/tử vong của các tỉnh khác trong TQ tăng chậm hơn nhiều. Vì cách ly khi số người nhiễm đã quá nhiều, hệ thống Y tế trở nên quá tải, chất lượng y tế không còn đảm bảo nữa.

Kể cả kit xét nghiệm cũng không thể đủ cho con số nghi nhiễm mỗi ngày. Nếu chỉ xét Vũ Hán, tại sao con số nhiễm mới lại giảm ngoạn mục vậy trong khi hiện tại vẫn chưa có vaccine?

Chỉ có 1 cách trả lời: nếu sau khi dỡ bỏ lệnh cách ly (người dân sinh hoạt bình thường trở lại) số ca nhiễm mới tăng cao trở lại, vậy thì lý do giảm số ca nhiễm mới là do mọi người khỏe mạnh đều trốn trong nhà và không có cơ hội tiếp xúc với mầm bệnh. Trường hợp ngược lại, dỡ bỏ lệnh cách ly mà số ca nhiễm (có triệu chứng) vẫn rất thấp, chỉ có thể lý giải là do miễn dịch cộng đồng đã được hình thành.

Hay nói cách khác, trên 60% (có tài liệu nói phải trên 90%) dân Vũ Hán đều đã bị nhiễm! Và Corona cũng giống như những vi sinh vật khác, sau quá trình chọn lọc tự nhiên, những cá thể đủ khỏe sẽ chung sống với nó.

2. Việt Nam:

Việt Nam chọn phương án phòng thủ từ sớm, cách ly ở cấp độ cá nhân có yếu tố nguy cơ ngay từ đầu. Và ngày hôm qua, do số ca nhiễm tăng lên, chúng ta vừa nâng mức cách ly lên cấp độ 2 “cấm những nơi tụ tập đông người, trường học, nhà hàng, hội hè…”.

Về hệ thống y tế, thành thật mà nói chúng ta không thể nào so lại Vũ Hán (đừng tự huyễn hoặc về nền y tế của chúng ta).

Do đó nếu số lượng BN của chúng ta như họ, tử vong chắc chắn cao hơn. Chúng ta vẫn đang thực hiện chiến thuật “tìm và diệt” rất sốt sắng, khi phát hiện thấy F0 là khẩn cấp truy ra F1,F2 để cách ly.

Về khoa học kỹ thuật và quản lý bằng AI chúng ta còn yếu (như vụ ông người Anh đã depart từ đời nảo đời nao rồi mà trong nước vẫn còn phát lệnh truy nã :’’> ), tuy nhiên bù lại chúng ta có thế trận “chiến tranh nhân dân” vững mạnh.

Nếu giữ vững được thế trận này trong 1 thời gian nữa, hy vọng sẽ có vaccine hay một giải pháp nào khác.

Chỉ sợ trụ không nổi, kinh tế suy sụp, sức cùng lực kiệt, lúc đó là tèo (giống như gồng lên đá hết hiệp 1, hiệp 2 đi bộ không vậy đó).

Hy vọng chúng ta sẽ không phải sử dụng cách ly cấp độ 3 như Vũ Hán. Ai phản đối thì phản đối , chứ mình thì vẫn ủng hộ chiến thuật này của chính phủ.

3. Singapore:

Nhiều người khen ngợi Singapore, nào là không sợ dịch bùng phát, không bị thiệt hại lợi ích kinh tế vì trong đợt dịch nhưng vẫn không cách ly ở bất cứ cấp độ nào. Mình lại có suy nghĩ khác.

Singapore không giống Việt Nam, Trung Quốc hay Châu Âu. Singapore là 1 quốc đảo, không có nông nghiệp cũng chẳng có công nghiệp.

Nó sống bằng giao thương, dịch vụ. Nếu nó cách ly với thế giới bên ngoài, nó sẽ chết vì đói trước khi chết vì dịch.

Thu nhập của Singapore trên 80% từ TQ, nếu nó cấm người TQ, vậy nó sẽ sống thế nào? Không cần cách ly, kinh tế Sing cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đợt dịch này rồi (vì khách TQ cũng đã bị cấm không cho xuất ngoại).

Chính phủ Sing phải cung cấp 2 gói viện trợ hàng tỉ USD để các công ty, dịch vụ… không chết yểu.

Hơn nữa, vì là quốc đảo, việc quản lý dịch tễ xuất/nhập cảnh cũng dễ dàng hơn nhiều (bên cạnh hệ thống AI cực mạnh của Sing). Chính phủ Sing gần như là không có lựa chọn khác.

4. Hàn quốc:

HQ chọn cách phòng thủ sớm với mức độ cách ly cá nhân (gần giống Việt Nam), cho đến ngày bị BN thứ 31 làm cho vỡ trận. Khi số ca nhiễm tăng lên cực nhiều, họ buộc phải tăng mức cách ly lên.

Cái hay của HQ là Y tế của họ cực mạnh. Những BN nặng họ chăm sóc gần như rất tốt nên tỉ lệ tử vong thấp hơn Vũ Hán nhiều (0.5%).

Bên cạnh đó, họ tầm soát trên diện rộng bằng test chứ không phải chỉ cách ly như Việt Nam (số lượng thực hiện test nhiều nhất trên thế giới, nếu không tính TQ-vì TQ không công bố số liệu test đã làm thực sự).

Do đó tuy số lượng BN nhiễm tăng nhanh, nó thực sự là con số thật, và họ kiểm soát những ng này rất tốt. Kết quả là số nhiễm mới ở Hàn giảm rất nhanh. Việt Nam nếu bị như Hàn thì tình hình chắc chắn bi đát hơn rất nhiều.

5. Đài Loan:

Đài Loan giống Hàn, chỉ khác là không có bệnh nhân thứ 31.
Do vậy Đài Loan hiện đang kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh. Nếu bây giờ có nơi nào an toàn để trốn dịch, chắc nên đến Đài Loan

6. Nhật Bản:

Nhật Bản dường như cũng chọn chiến lược giống Hàn, tuy không aggressive bằng. Người Nhật vẫn tỏ ra rất tự tin về nền Y tế thuộc hàng top của mình nên vẫn chưa có những động thái cách ly mạnh hơn.

Thủ tướng Nhật còn tuyên bố vẫn tổ chức Olympic 2020 vào tháng 7. Để xem vài ngày nữa coi chiến lược này có sai lầm không, khi số nhiễm đang ngày càng tăng, và dân số Nhật thuộc loại già nhất trên TG.

7. Ý, Pháp, Đức:

3 nước châu Âu này chọn chiến thuật cách ly khi đến thời điểm (một phần cũng là vì nền văn hóa của họ rất khó tiến hành cách ly).

Một tháng dịch bệnh hoành hành ở TQ có lẽ không đủ để họ đánh giá chính xác về nguy cơ này? Nước Ý chính là nơi bùng phát dịch đầu tiên, và lan sang các nước châu Âu khác. Ý không khác gì Vũ Hán, vỡ trận do nền Y tế không đủ sức điều trị cho quá nhiều người cùng 1 lúc. Dân số Châu Âu già nua một khi nhiễm bệnh thì chết còn nhiều hơn châu Á là điều chắc chắn. Khi họ nhận ra, mức cách ly đã tăng dần từ cấp 2 (cấm trường học, ăn chơi, tụ tập… như Việt Nam) sang cấp 3 (phong tỏa thành phố/vùng như Trung Quốc) và cấp 4 (phong tỏa toàn nước Ý, nội bất xuất ngoại bất nhập) chỉ trong vài ngày. Tuy vậy, có vẻ hiệu quả sẽ không cao do tại thời điểm này, con số nhiễm đã là quá nhiều. Chỉ ráng gồng mình để qua đỉnh dịch như Vũ Hán. Pháp và Đức rồi cũng sẽ tăng số nhiễm theo cấp lũy thừa. Nước nào y tế mạnh nước đó chết ít. Một điều nữa nên nhớ, không phải như Hàn, số liệu nhiễm (được làm test) của các nước châu Âu thấp hơn con số thực nhiễm rất nhiều.

8. Mỹ:

CDC của Mỹ là số 1 thế giới, không ai phủ nhận. Do vậy cũng hy vọng tình hình hiện tại ở Mỹ cũng nằm trong kế hoạch và sự lường trước của CDC chứ không phải là do sự chủ quan, khinh địch. Số nhiễm ở Mỹ ngày càng tăng, mức độ cách ly cũng tăng tương xứng. Chờ xem cường quốc số 1 TG sẽ đối phó ra sao với nó.

9. Anh:

Khác với các nước châu Âu khác, Anh lại có chiến lược không phòng thủ. Lúc đầu mình không tin lắm, nhưng sau 1 số tin tức dẫn lời phát biểu của các quan chức Y tế ở Anh, có lẽ họ cố tình làm như vậy. Họ không cách ly mà chỉ tập trung chữa những trường hợp cần chữa, đợi thời gian hình thành miễn dịch cộng đồng. Bởi vậy nên em gái Việt Nam đại gia dù có triệu chứng vẫn bị kêu nằm nhà tự cách ly chứ không cho xét nghiệm, ẻm sợ quá thuê máy bay về đây luôn. Để xem chiến lược này có thành công không. Nhắc lại là mình cũng không chắc lắm rằng họ có chủ động tạo miễn dịch cộng đồng hay không.

10.Iran:

Mình không biết về chiến lược của Iran, cũng như thực lực nền Y tế của họ vì thông tin quá ít. Chỉ biết là nền y tế cũng vỡ trận do số nhiễm quá cao. Do đặc điểm tôn giáo đạo Hồi, nguy cơ lây nhiễm của họ rất cao. Điều mình thắc mắc là, các nước hồi giáo khác sao không có tỉ lệ nhiễm và tử vong cao như Iran? Hay do đa số họ cấm biên đối với Iran (do chính trị) nên khả năng lây từ ngoại lai cũng ít hơn?
Vài dòng chém gió theo suy nghĩ cá nhân, chắc chắn sẽ có chỗ không chính xác và cũng sẽ nhận đc nhiều ý kiến trái chiều. Anh em mình cuối tuần ở không nằm nhà, thiết nghĩ có gì chém cũng là cách giải trí
Còn đối với các bạn thực sự muốn tìm hiểu về những vấn đề này từ phân tích của chuyên gia, các bạn hãy ăn tối, sau đó dành khoảng 30phút để đọc bài viết này:

https://medium.com/@vinhtantran/coronavirus-t%E1%BA%A1i-sao-ph%E1%BA%A3i-h%C3%A0nh-%C4%91%E1%BB%99ng-ngay-1850b2067806?fbclid=IwAR1x2E45nYGQf4MFSmWJK0AzkyFg7hYtMeFXwuAXW6X8AGroRyi75D7lxNc
Mình đảm bảo các bạn sẽ không nuối tiếc dù chỉ 1 giây. Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ và khỏe mạnh. Hãy giữ sức, cuộc chiến phía trước còn rất dài.

Xem thêm

Trục vớt phà chìm

Thụy Điển hôm nay: tin tức tổng hợp mới nhất ngày 23/11/2020

Cùng đọc tin tức tóm tắt về những gì đã và đang diễn ra tại …

Người Pháp gốc Á phản đối bị kỳ thị: 'Tôi không phải là con virus'

Chủ quan trước đại dịch, Thuỵ Điển giờ phải trả giá và siết vội các biện pháp chống Covid-19

Theo thống kê mới nhất từ Platz.se , tính đến ngày hôm nay Thuỵ Điển …

Gửi phản hồi

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.